Xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, công chức, viên chức

Cập nhật: 07/06/2024 09:35

 – Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính là vấn đề cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định đến công cuộc phòng, chống tham nhũng thành công hay thất bại.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh trong bài: H. Giang)

Hôm qua (6/6), Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra – Viện CL&KHTT (Thanh tra Chính phủ) đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện Chiến lược Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030” (Báo cáo).

Báo cáo tại Hội thảo đã chỉ rõ thực trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống…

Từ những lý do trên, Viện CL&KHTT đã kiến nghị 5 nhóm giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030. Trong đó có giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính. Đồng thời, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực gắn với đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng công nhân, viên chức, lao động.

PGS. TS Trương Thị Hồng Hà góp ý tại Hội thảo.
PGS. TS Trương Thị Hồng Hà góp ý tại Hội thảo.

Cơ bản nhất trí với các nội dung nêu trong Báo cáo, PGS. TS Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Ban Nội chính Trung ương) nhận định, nhiều nội dung trong Báo cáo được phân tích, trình bày rõ ràng, ngắn gọn với số liệu cụ thể đã làm nổi bật những kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020. Tuy nhiên, trong phần giải pháp phòng ngừa, cần đề xuất giải pháp có tính đột phá, bảo đảm phương châm PCTN, tiêu cực “từ sớm, từ xa”, “cả ngọn, lẫn gốc” để PCTN, tiêu cực thực sự trở thành “một phong trào, một xu thế không thể đảo ngược”.

Nhóm tác giả cần nghiên cứu và đề xuất rõ hơn về giải pháp xây dựng văn hoá liêm chính, giáo dục pháp luật PCTN, tiêu cực với cán bộ, công chức, Nhân dân và doanh nghiệp với các biện pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam, với truyền thống lịch sử và văn hoá, xã hội Việt Nam sẽ làm cho báo cáo có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Đồng quan điểm, PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng khẳng định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính là vấn đề cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định đến công cuộc PCTN thành công hay thất bại.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Theo đó, cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, người đứng đầu, vị trí càng cao, kiểm soát càng phải chặt. Giống như quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp. Nên có quy định cấm tất cả cán bộ có thẩm quyền có ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp (thẩm quyền cấp phép, giao đất, giao vốn, tài sản nhà nước…) không được tiếp xúc, làm việc riêng với doanh nghiệp (chỉ được tiếp xúc làm việc chung), nhằm chống lợi ích nhóm, đi đêm, câu kết giữa doanh nghiệp với lãnh đạo chính quyền.

Cũng theo PGS. TS Tường Duy Kiên, ngoài việc hoàn thiện các luật liên quan, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các luật về xuất bản, báo chí, tuyên truyền giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng… như Báo cáo đã đề cập, cần phát huy vai trò, giá trị quyền con người trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Vì tham nhũng vi phạm trực tiếp và gián tiếp đến quyền con người, nên cần sử dụng hiệu quả cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong PCTN, tiêu cực.

Tin liên quan