Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác thanh tra và sự tham dự của các doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm.
Các phát biểu tại Hội thảo tập trung vào phân tích, đánh giá về thực trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán doanh nghiệp trong thời gian qua.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim – Nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa các cơ quan thanh tra nhà nước hầu như không còn; ở hoạt động thanh tra đột xuất có xảy ra song được xử lý kịp thời; giữa cơ quan Thanh tra nhà nước với cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng cơ bản được kiểm soát ở cấp trung ương.
Tuy nhiên, vẫn còn chồng chéo trong một số hoạt động kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền với hoạt động khảo sát, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra; hoạt động kiểm tra thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, nhất là hoạt động kiểm tra của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; hoạt động thu thập thông tin, nắm tình hình của cơ quan Điều tra; hoạt động kiểm tra, nắm tình hình của các tổ chức, đoàn thể, của Đảng; hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và cơ quan có chức năng giám sát khác.
Đại biểu cũng được nghe báo cáo chuyên đề về các phương hướng, giải pháp được đề cập, sửa đổi trong dự thảo Luật Thanh tra.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Chính phủ hoàn thiện, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới.
Dự án Luật Thanh tra đã đề cập tới nội dung phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán.
Dự thảo Luật đã xác định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đó, về chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Luật quy định mỗi bộ, tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra; kế hoạch thanh tra được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Khi thực hiện, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó.
Dự thảo Luật quy định Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa người đứng đầu 2 cơ quan này dựa trên nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thực hiện chức năng thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước.
Thủ trưởng cơ quan thanh tra và kiểm toán trưởng kiểm toán nhà nước khu vực và chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động, trao đổi thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp khi tiến hành thanh tra, kiểm toán.
Đáng chú ý, khi phát hiện nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra khác hoặc kiểm toán nhà nước, thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị. Nếu không thống nhất thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước giải quyết.
Nhiều đại biểu dự Hội thảo cho rằng, việc quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán có thể giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm toán, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, thanh tra, kiểm toán có những đặc thù, vị trí, vai trò khác nhau, mang tính chủ động của mỗi ngành và đều là quy trình của hoạt động quản lý, là sự cần thiết của quy trình quản trị rủi ro của doanh nghiệp và nhà nước, nhất là trong phát triển kinh tế thị trường, yếu tố “tiền kiểm” được tạo điều kiện để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp thì yếu tố “hậu kiểm” cần phải được tăng cường. Vì vậy tránh chống chéo nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc quản lý thì cần tập trung xây dựng kế hoạch chung, chú trọng về nội dung thanh tra, kiểm toán trong kế hoạch và xác lập tính pháp lý trong hoạt động kế thừa kết quả của nhau.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Hội thảo:
TS Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện RICP chủ trì Hội thảo. Ảnh: Ngô Tân |
TS Nguyễn Văn Kim – Nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ phát biểu. Ảnh: Ngô Tân |
TS Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ phát biểu. Ảnh: Ngô Tân |
Th.s Lê Thế Chiến – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra phát biểu |
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Ngô Tân |
Ban Tổ chức Hội thảo tri ân các đối tác đồng hành. Ảnh: Ngô Tân |