Các đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. |
Trong đó, có công tác quản lý, cấp phép; một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công…
Tại nghị trường Quốc hội cũng như tại các buổi tiếp xúc cử tri, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi, cung cấp thông tin cho cử tri và nhân dân về nội dung quan trọng này.
Niềm tin của đông đảo người dân được củng cố vững chắc khi chứng kiến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ.
Đáng chú ý, công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự… ngày càng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng là “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”… trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt đang đặt ra những vấn đề cần được các cơ chức năng thật sự quan tâm và xử lý kịp thời, với tinh thần cương quyết hơn nữa.
Theo nhiều ý kiến của cử tri tại Đà Nẵng, Phú Yên…, đó là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công… chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đối với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện…
Còn có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng…
Cử tri nêu rõ, nạn tham nhũng vặt đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tham nhũng vặt nếu không bị ngăn chặn sẽ làm sai lệch, vô hiệu hóa các quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, điều hành, đồng thời phá vỡ chuẩn mực của pháp luật trong quan hệ của người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền.
Đây cũng là nguyên nhân gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự công minh, công bằng, tận tâm, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong công việc, trong phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa xóa bỏ được tâm lý e ngại công việc hành chính; muốn đưa quà cáp, biếu xén… để được giải quyết công việc thật nhanh…
Thực tế cho thấy, Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng vặt.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; chỉ đạo ngành thanh tra tổ chức thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần chú trọng hoàn thiện các quy định xây dựng nền hành chính công minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở…
Nhiều người dân và cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật; tăng cường, tập trung thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín…
Để phát huy sức mạnh trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và tham nhũng vặt nói riêng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cần tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…