Theo quy định hiện hành, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng/tháng và thêm 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Mức này được áp dụng từ năm 2020, song trong bối cảnh trượt giá nhanh, chi phí sinh hoạt tăng cao, thì mức giảm trừ đó ngày càng trở nên lạc hậu.
Hơn nữa, một người lao động ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội phải trả tiền thuê nhà, nuôi con đi học, chi phí y tế, xăng xe, ăn uống… cao hơn nhiều so với một người ở nhiều tỉnh khác. Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2024, do Cục Thống kê công bố, cũng cho thấy, Đông Nam Bộ có giá cả đắt đỏ nhất cả nước, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng. Cùng mức giảm trừ nhưng giá cả chi tiêu hoàn toàn khác nhau cho thấy chính sách hiện nay chưa thực sự công bằng, do đó, cần tính đến đặc thù vùng miền khi xây dựng chính sách thuế thu nhập cá nhân, thay vì áp một “mức sàn” chung cho cả nước.
Tính giảm trừ gia cảnh theo khu vực, vùng miền có nhiều ưu điểm. Trước hết, đây là cách tiếp cận gần hơn với thực tế. Bởi không thể phủ nhận chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền đang chênh lệch lớn. Chỉ riêng tiền thuê nhà, một căn hộ ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh có thể ngốn cả 8 - 10 triệu đồng/tháng, trong khi ở nhiều tỉnh lẻ, số tiền đó đã đủ để trang trải gần như toàn bộ sinh hoạt phí cả tháng cho một gia đình nhỏ.
Thứ hai, điều chỉnh giảm trừ theo vùng giúp phân bổ nghĩa vụ thuế công bằng hơn. Về bản chất, thuế thu nhập cá nhân đánh vào phần thu nhập sau khi đã trừ đi các khoản thiết yếu để duy trì cuộc sống. Khi mức giảm trừ không đủ, người dân ở vùng đắt đỏ sẽ “thiệt thòi” so với những người sống ở nơi chi phí thấp hơn.
Thứ ba, chính sách này có thể tạo động lực cho tiêu dùng và tăng trưởng. Khi được giảm trừ hợp lý hơn, người dân có thêm thu nhập khả dụng để chi tiêu cho giáo dục, y tế, dịch vụ… Từ đó kích thích sản xuất, tiêu dùng và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, thiết kế mức giảm trừ theo vùng cần được tính toán kỹ. Câu hỏi đặt ra là nên chia vùng như thế nào cho hợp lý? Theo địa giới hành chính (thành phố, nông thôn…), theo 4 vùng lương tối thiểu, hay dựa vào chỉ số giá sinh hoạt? Việc phân vùng cần rõ ràng, minh bạch, tránh phức tạp trong quản lý hay tạo thêm gánh nặng cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Cũng cần lưu ý rằng, không chỉ có sự khác biệt giữa các vùng, mà ngay cả mức giảm trừ hiện tại cũng đã không còn hợp lý cho toàn bộ người nộp thuế. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong vòng 5 năm qua đã tăng trên 20%, trong khi mức giảm trừ chỉ mới được điều chỉnh một lần duy nhất từ năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, cùng một thu nhập nhưng sức mua thực tế của người dân đã giảm đáng kể.
Do đó, ngoài việc thiết lập mức giảm trừ gia cảnh khác nhau cho từng vùng, Bộ Tài chính cần nâng mặt bằng giảm trừ nói chung để bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc này trước mắt có thể làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ góp phần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Bởi khi người dân giữ được nhiều thu nhập hơn, tiêu dùng nội địa sẽ tăng, tạo nguồn thu bền vững từ các sắc thuế khác.
Một chính sách thuế tốt không chỉ “thu đúng, thu đủ” mà còn phải “thu có tình, có lý”. Nâng mức giảm trừ gia cảnh có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền thể hiện đúng tinh thần đó: bảo đảm quyền lợi chính đáng của người nộp thuế, chia sẻ khó khăn với người lao động, và xây dựng một chính sách thuế công bằng, tiến bộ hơn.
theo Hà Lan - Báo Đại biểu nhân dân
https://daibieunhandan.vn/giam-tru-gia-canh-theo-vung-buoc-tien-hop-long-dan-10378647.html