Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: Các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến; 44 nội dung thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 08 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Về thời gian diễn ra Kỳ họp, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 35,5 ngày. Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc khai mạc Kỳ họp sớm hơn thông lệ, vào ngày 05/5/2025. Đồng thời, để bảo đảm sự đồng thuận cao, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức Kỳ họp sớm hơn quy định trước khi tiến hành triệu tập Kỳ họp (sau khi có kết luận của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức Kỳ họp).
Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1 là 20 ngày (từ thứ Hai ngày 05/5 đến hết thứ Tư ngày 28/5/2025); đợt 2 là 15,5 ngày (từ thứ Tư ngày 11/6); thời gian Quốc hội nghỉ giữa 02 đợt là 13 ngày.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, do khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp là rất lớn, vì vậy tại Kỳ họp lần này sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; những vấn đề điều chỉnh luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Liên quan tới điều chỉnh thời gian xem xét thông qua đối với dự án, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa điều chỉnh từ cho ý kiến sang xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sang cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (theo quy trình tại một kỳ họp); điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân từ Kỳ họp thứ 9 sang Kỳ họp thứ 10. Để đảm bảo chất lượng trình dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ và Tòa án Nhân dân Tối cao cần khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ tài liệu, tài liệu các dự luật theo đúng quy định.
Đồng thời, rút 05 nội dung khỏi dự kiến chương trình Kỳ họp gồm: Dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Cấp, thoát nước; dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan theo lĩnh vực phụ trách phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đối với các nội dung có liên quan nêu trên.
Về dự kiến chương trình Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến chương trình và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ 9 theo hướng: Nhất trí việc báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để triệu tập Kỳ họp chậm nhất vào ngày 05/4/2025; khai mạc Kỳ họp vào ngày 05/5/2025; Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội; Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt, có thời gian Quốc hội nghỉ họp giữa 02 đợt để các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đồng thời, giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp theo hướng bảo đảm việc triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhất trí nội dung và cách thức tiến hành đối với việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo như đã thực hiện tại Kỳ họp thứ 8 (chỉ từ 07 - 10 phút, trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,...); không bố trí thời gian trình bày báo cáo thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết (trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước) và sẽ báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại phiên họp trù bị; không bố trí thời gian trình bày các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, chỉ bố trí thảo luận lồng ghép với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 1,5 ngày; bố trí 0,25 ngày thảo luận ở hội trường đối với một số dự án luật qua thực tế tại Kỳ họp thứ 8 không có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu hoặc dự án có nội dung chính sách được xác định cụ thể, dự kiến không có nhiều vấn đề phức tạp. Ngoài các phiên họp theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đối với phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu các nội dung trình tại Kỳ họp; nhất là các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp; trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội muộn nhất tại Phiên họp thứ 44 (tháng 04/2025), hạn chế để lùi sang Phiên họp thứ 45 (tháng 05/2025).
Liên quan tới thời hạn gửi Hồ sơ tài liệu đến đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các nội dung đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trước ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 được thông qua cần gửi trước ngày 15/4/2025.
Các nội dung được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 kể từ ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 được thông qua cần gửi trước ngày 20/4/2025; lưu ý khi gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra để tiến hành thẩm tra phải đồng thời gửi hồ sơ bằng bản điện tử đến Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để gửi ngay đến các Đoàn đại biểu Quốc hội và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Đối với các báo cáo cần gửi trước ngày 25/4/2025.