4 nội dung thanh tra được TAND Tối cao tiến hành trong năm 2024

Cập nhật: 30/01/2024 10:34

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định 09/QĐ-TANDTC ngày 18/01/2024 của Toà án nhân dân (TAND) Tối cao phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024.

Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2024 của TAND Tối cao, 4 nội dung thanh tra trọng tâm gồm: Thanh tra công vụ; thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thanh tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân; thanh tra công tác tài chính và công sản.

Căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thanh tra, mỗi Đoàn thanh tra lựa chọn một số hoặc tất cả nội dung sau:

Thứ nhất, thanh tra công vụ.

Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân.

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các Tòa án nhân dân.

Thanh tra việc tổ chức thực hiện Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

Thứ hai, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Tòa án nhân dân; trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, thanh tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân.

Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân tại các Tòa án nhân dân.

Thứ tư, thanh tra công tác tài chính và công sản.

Thanh tra việc sử dụng kinh phí tại các đơn vị dự toán trong hệ thống Tòa án nhân dân; việc quản lý, sử dụng tài sản cố định; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các Tòa án nhân dân khi có yêu cầu của lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.

Kế hoạch thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong các Tòa án nhân dân để tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra; bảo đảm thường xuyên theo dõi, tổng hợp, nhận định tỉnh hình thực tiễn, đề ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trong Tòa án nhân dân.

Việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra phải có nội dung, đề cương cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Kết thúc thanh tra, kiểm tra phải có bảo cáo, kết luận một cách khách quan, toàn diện và công khai kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật để đối tượng thanh tra và các đơn vị có liên quan khắc phục hậu quả và có biện pháp chấn chính, rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

theo MAI HUỆ – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/4-noi-dung-thanh-tra-trong-tam-se-duo-c-tand-to-i-cao-tie-n-ha-nh-trong-nam-2024-1706544542.html

Tin liên quan