Ban quản lý khu bảo thiên nhiên Hòn Bà phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học của đất nước

Cập nhật: 01/08/2024 06:03

     Được khám phá Từ năm 1915, khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà được ví như một bảo tàng tự nhiên tuyệt đẹp ở Khánh Hòa với mức độ đa dạng sinh học cao và cũng là điểm du lịch hấp dẫn với đặc điểm sinh thái độc đáo.

   

Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà được thành lập với mục đích chính là bảo vệ mẫu hình đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, bảo tồn các nguồn gen thực vật, động vật quý hiếm, rừng phòng hộ đầu nguồn và duy trì nguồn nước cho Hồ Suối Dầu. Khu bảo tồn nay nằm trên địa bàn bốn huyện Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang 30 km về phía Tây Nam. Khu bảo tồn nằm ở độ cao gần 1.600 m so với mực nước biển với tổng diện tích tự nhiên là 19.285,83 ha. Hiện nay hệ sinh thái rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà vẫn còn tương đối nguyên vẹn, vừa đa dạng vừa phong phú, bao gồm nhiều loại động thực vật quý hiếm. Nơi đây sở hữu những giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái rừng tự nhiên độc đáo nên đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách, nhất là những tín đồ du lịch đam mê thiên nhiên và ưa thích leo núi, khám phá hệ sinh thái rừng.

 

      Thảm thực vật rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà rất đa dạng với các kiểu như rừng kín thường xanh á nhiệt đới, rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp, rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới và rừng thứ sinh á nhiệt đới… Hệ thực vật tại đây có 1.445 loài, thuộc 708 chi, 174 họ, bao gồm nhiều loài quý hiếm như gỗ đỏ, lan kim tuyến, lan hài, thông 2 lá dẹt, Pơ Mu … đặc biệt các loại như pơ mu, thông lá dẹt ở khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có những cây đã có tuổi đời hơn 800 năm, tập trung thành những quần thể lớn. Các loài thực vật này có vai trò bảo tồn và duy trì nguồn gen, phục vụ nghiên cứu khoa học cũng tạo sự đa dạng cho cảnh quan thu hút du khách.

      Hệ động vật tại Hòn Bà cũng rất đa dạng, với 29 bộ, 105 họ và 420 loài; trong đó đã ghi nhận có 77 loài thuộc lớp thú, 224 loài thuộc lớp chim, 71 loài thuộc lớp bò sát, 48 loài thuộc lớp ếch nhái; có 89 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới, tiêu biểu như gà lôi, gà tiền, niệc nâu, hồng hoàng, trĩ sao, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, vượn đen má hung, gấu ngựa, kỳ đà hoa, rắn cạp nong… Đặc biệt, Hòn Bà còn là nơi trú ngụ của một quần thể lớn voọc chà vá chân đen, loài động vật hoang dã rất quý hiếm ở Việt Nam (thuộc nhóm IB) và đang trong tình trạng nguy cấp (theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên thiên IUCN). Tại Hòn Bà, voọc chà vá chân đen sống ở rừng thường xanh từ cao độ 380m đến đỉnh Hòn Bà 1.568m. Chúng sống thành đàn từ 5 – 23 con, có con đực đầu đàn, kiếm ăn vào buổi sáng và chiều, ngủ trên cây gỗ cao trong khe núi, ăn lá non, mầm cây. Nhờ sự đa dạng các loài thực vật bậc cao trong lâm phần, voọc chà vá chân đen có được nguồn thức ăn phong phú, cứ thế sinh sôi và sống yên bình trong sự bảo vệ của lực lượng bào vệ rừng Khu BTTN Hòn Bà.

Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đã thực hiện hàng loạt các giải pháp để bảo vệ sự đa dạng sinh học tại “Hòn Bà”

      Để giữ cho Khu BTTN Hòn Bà được mãi xanh, bên cạnh bảo vệ nguyên trạng khu bảo tồn, thời gian qua, Ban quản lý Khu BTTN Hòn Bà luôn chú trọng trồng rừng tại các phân khu phục hồi chức năng nhằm phủ kín và làm dày các khu vực rừng trống lâu nay đã trồng được rừng mới tại phân khu phục hồi sinh thái huộc khoảnh 9, Tiểu khu 235, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.

     Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giữ rừng từ “gốc”. Cơ cấu lực lượng quản lý, bảo vệ rừng gồm có Hạt Kiểm lâm Hòn Bà và 5 Trạm Kiểm lâm địa bàn và 1 Chốt tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ rừng bị xâm hại cao. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét sâu vào rừng, kiểm soát lâm sản tại các khu vực trọng điểm. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực vào rừng, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt trái phép động vật trong Khu.

       Cùng với việc quản lý, bảo vệ rừng, một trong những công việc trọng tâm của Khu BTTN Hòn Bà là phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, tại các khu vực có nguy cơ bị tác động như: Trà Dâng, Đá Trắng, Đá Hàn, Suối Tân, tuyến đường Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm); Ma O, suối Chi Chay, Trại Gà, Tà Gụ, Ko Lắc, Ko Róa (huyện Khánh Sơn); Kho đạn, suối nước nóng, thác Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh)…, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Hòn Bà tổ chức 876 đợt tuần tra, kiểm tra kiểm soát, đã phát hiện, đẩy đuổi kịp thời nhiều đối tượng ra khỏi rừng./.

Tin liên quan