Huyện Văn Quan (Lạng Sơn): Khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 30/08/2024 12:17

Văn Quan là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn. Toàn huyện có 16 xã, 1 thị trấn với 122 thôn, khu phố. Văn Quan là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 97%, đây cũng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Lạng Sơn. Với mục tiêu đến năm 2030, Văn Quan là huyện phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình khá trở lên, với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hạ tầng đô thị tương đối hoàn chỉnh… Để thực hiện được mục tiêu này, địa phương xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, cần phải được ưu tiên thực hiện. Theo đó, những năm qua, UBND huyện Văn Quan đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đồng bộ về quy hoạch tổng thể, tạo không gian, cơ chế cho phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư vào các dự án của huyện.

Hiện nay, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh năm 2030, trong đó đã phân định rõ các khu vực phát triển của huyện đi đôi với công tác vận động xúc tiến đầu tư các dự án lớn. Đối với quy hoạch đô thị, huyện đã hoàn thành quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Văn Quan đến năm 2035.

Hiện nay, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện Văn Quan đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Lạng Sơn năm 2030

Đối với quy hoạch Nông thôn, đã hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã Điềm He và xã Yên Phúc, huyện Văn Quan. Đến nay, đã có 11/16 xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Nông thôn mới được UBND huyện phê duyệt theo thẩm quyền gồm các xã: Khánh Khê, Yên Phúc, Lương Năng, Tràng Phái, Tân Đoàn, Liên Hội, Bình Phúc, An Sơn, Điềm He, Trấn Ninh, Hữu Lễ; có 3/16 xã đang thẩm định, trình phê duyệt (gồm: Tri Lễ, Tú Xuyên, Hòa Bình); 02/16 xã (Đồng Giáp, Tràng Các) đã thực hiện lập đồ án quy chung nhưng không phê duyệt do lộ trình sáp nhập xã trong năm 2024 các xã Khánh Khê, Đồng Giáp và Tràng Các.

Trên cơ sở quy hoạch, huyện Văn Quan tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; trong đó tập trung, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục và cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 huyện Văn Quan thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.

Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là 1.069 tỷ đồng (từ các nguồn vốn: Vốn Các Chương trình MTQG, vốn NSĐP tỉnh phân bổ, vốn NSĐP huyện quản lý, vốn hỗ trợ huyện thoát nghèo…). UBND huyện đã phân bổ để thực hiện 56 công trình giao thông, 14 công trình thủy lợi, 28 công trình Giáo dục và Đào tạo, 27 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (trạm y tế, nhà văn hóa, chợ…), 04 công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tạo quỹ đất phát triển và các công trình khác…

Ghi nhận công lao to lớn của cấp ủy, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Quan, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Văn Quan được công nhận là vùng An toàn khu.

Huyện Văn Quan tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương và đường lối của Đảng, cùng các chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huyện thường xuyên nắm bắt thông tin về đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giữ vững sự ổn định và tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn này, tình hình kinh tế và đời sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số huyện Văn Quan duy trì ổn định và đạt những kết quả tích cực. Các chương trình, dự án đang được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, đã tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện, mang lại hiệu quả đáng kể.

Nhiều hoạt động chăm lo vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai hiệu quả. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại một số địa phương trong huyện đều đạt được sự ổn định và phát triển. Chính quyền địa phương cũng đã tiếp tục chặt chẽ theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu để triển khai các giải pháp cụ thể, chủ động ứng phó nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân. Huyện Văn Quan cũng đã thành công trong việc triển khai các chính sách bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quản lý và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, đem lại sự phát triển cho ngành du lịch địa phương. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, không xảy ra điểm nóng và công tác nắm bắt tại cơ sở về tình hình an ninh được thực hiện kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các Dự án, Tiểu dự án và nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia, đặc biệt là về công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân hiến đất. Một bộ phận người dân vẫn chưa có hiểu biết sâu sắc về Chương trình này, có xu hướng mong chờ, ỷ lại và phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Huyện Văn Quan đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Mục đích là thay đổi nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường chủ động, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện cơ chế hỗ trợ để tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua các chương trình dự án, chính sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó ưu tiên hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hộ tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là việc huy động nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và ngăn chặn các vụ xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Huyện sẽ huy động mọi nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án chính sách trên địa bàn để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn, đặc biệt là ngân sách Nhà nước.

                                                                                                   T/H: Văn Tuấn 

Tin liên quan