Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn ngân sách nhà nước được giao hơn 6.156 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 hơn 5.310 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2019 và 2020 được kéo dài chuyển sang năm 2021 hơn 854 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/1/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là 3.461 tỷ đồng, đạt 59,52% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao, 56,22% kế hoạch do Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Người dân khá bức xúc vì tiến độ triển khai các dự án chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương, như dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam-tiểu dự án thành phố Long Xuyên; dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hoàng thuộc thành phố Long Xuyên vướng phần đất chưa bồi thường có chiều dài 60 m; đường tỉnh 943; hạng mục kè chống sạt lở đường tỉnh 943; nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (Kiên Giang) vướng mặt bằng nhiều hộ dân.
Tổng cộng có 56 chủ đầu tư sử dụng các kế hoạch vốn năm 2021, trong đó có 26 chủ đầu tư giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh gồm 19 sở, ban, ngành cấp tỉnh và bảy huyện, thị xã, thành phố; có 30 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh gồm 26 sở, ban, ngành cấp tỉnh và bốn huyện, thị xã, thành phố.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang Phạm Minh Tâm, tỷ lệ giải ngân năm 2021 không đạt yêu cầu đặt ra xuất phát từ các nguyên nhân, như: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên những tháng đầu năm tập trung triển khai cho công tác chuẩn bị đầu tư; do ảnh hưởng dịch Covid-19; do giá cả vật liệu tăng cao đột biến, nhất là thép xây dựng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu; khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng, một số dự án triển khai chậm, thậm chí không thể triển khai do không có mặt bằng để thi công…
Trong năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh An Giang được giao hơn 5.267 tỷ đồng, với quyết tâm giải ngân đạt tỷ lệ 100% khi hết năm ngân sách, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án. Tỉnh yêu cầu thủ trưởng của 30 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so tỷ lệ bình quân chung tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và đề ra các giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như phấn đấu đến hết niên độ ngân sách năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao; các chủ đầu tư giải ngân không đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn được giao phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả hơn, tỉnh yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện tốt Công văn số 1505/UBND-KTTH ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấn chỉnh công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng trong hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; Công văn số 63/SKHĐT-ĐT ngày 11/1/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, sử dụng vốn đầu tư công năm 2022.
Đối với các dự án có công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư cần dự báo khả năng và thời gian cần thiết để thực hiện công tác bồi thường, từ đó đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung vốn hoặc điều chỉnh giảm vốn cho phù hợp. Còn đối với các dự án còn vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng, yêu cầu chủ đầu tư có văn bản kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhất là địa phương có dự án để kịp thời đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu thành lập đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm năm 2022 để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các sở, ngành và địa phương hằng tháng, hằng quý để chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn đã giao cho các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung theo quy định, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2022; tham mưu xử lý chuyển tiếp số vốn kéo dài của năm 2021.
Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, tổ chức hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng trong năm 2022 và tổ chức hội nghị tổng kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; trong đó, tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để đề xuất khen thưởng đối với các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch vốn được giao và phê bình, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp.
Riêng sở, ngành quản lý xây dựng chuyên ngành liên quan xem xét thực hiện rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật-dự toán theo nhiệm vụ được phân công; hướng dẫn thực hiện, đơn giản hóa thủ tục và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị bảo đảm tiến độ triển khai dự án. “Mong rằng các sở, ban, ngành và địa phương sẽ quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất chỉ tiêu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh”-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước kỳ vọng.