Bài viết của Tổng Bí thư: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt và then chốt trong sự nghiệp đổi mới

Cập nhật: 15/03/2024 14:09

Cán bộ, đảng viên xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hướng dẫn đồng bào kỹ thuật canh tác. (Nguồn ảnh: TTXVN) (PLVN) – Nhận định về bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh,…

Cán bộ, đảng viên xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hướng dẫn đồng bào kỹ thuật canh tác. (Nguồn ảnh: TTXVN)
(PLVN) – Nhận định về bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS. Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những tâm huyết trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nội dung bài viết được coi là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại mọi hành động chống phá, xuyên tạc, phủ nhận, tranh giành vai trò cầm quyền đối với Đảng ta.

Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng

Theo TS. Lê Trung Kiên, nhìn lại lịch sử hơn 94 năm qua của Đảng ta cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư duy từ rất sớm và có những kiến giải trong công tác xây dựng Đảng. Tiếp nối mạch nguồn đó, tại bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh và coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là tất yếu, là nhiệm vụ thường xuyên, kiên trì nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.

Cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và có giá trị hiện thời sâu sắc. Nhưng trong mỗi giai đoạn lịch sử, đều không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, hạn chế và sai lầm có thể xảy ra. Đánh giá khách quan là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa thật tương xứng với vị trí “then chốt”, nhiều biểu hiện tồn tại kéo dài nhưng chưa giải quyết triệt để, đặc biệt là công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên… Trong điều kiện một Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, đòi hỏi phải vững mạnh, toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Điều quan trọng là Tổng Bí thư đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên là luôn phải phấn đấu cho tiền đồ và tương lai của dân tộc và giống nòi Việt Nam, cho nên đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nói và làm, vì nước, vì dân, ý Đảng thuận lòng dân, trên dưới đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt trách nhiệm chính trị gắn với trách nhiệm đạo đức để xây dựng Đảng trong sạch, thật sự Đảng là đạo đức và văn minh, xứng đáng với niềm tin và ủng hộ của Nhân dân.

Tập trung giải quyết những “điểm nghẽn”, khâu yếu trong công tác xây dựng Đảng

TS. Lê Trung Kiên nhận định, Đảng ta coi việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ mang tính xuyên suốt và then chốt trong sự nghiệp đổi mới. Chính vì đổi mới toàn diện nên trong Đảng cũng cần phải đổi mới, nhưng đây không phải tuyệt đối hóa để thay đổi tất cả, mà điều quan trọng là phát huy, phát triển những giá trị trong kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng và điều cần thiết và cấp thiết là tập trung vào những vấn đề lớn, “điểm nghẽn”, khâu yếu, những tồn tại để có định hướng và giải pháp thực hiện một cách hiệu quả.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng phải thích ứng và chủ động vượt trước trong việc hoạch định chiến lược và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để có chuyển biến tốt trong đời sống chính trị – xã hội. Trước đó, Đảng đã đưa ra hệ thống các biện pháp trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng cần phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa. Chẳng hạn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần tập trung vào đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các tổ chức cơ sở Đảng từ trên xuống dưới; giải quyết một cách khả thi cơ chế vận hành: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì xác định căn nguyên “gốc” là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống để từ đó có “thuốc” đặc trị. Trong công tác cán bộ, coi trọng và chú trọng đánh giá phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh, năng lực công tác làm thước đo để sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ…

Cũng theo TS. Lê Trung Kiên, để Đảng trong sạch và vững mạnh hơn, đòi hỏi mỗi người đảng viên cần phải gương mẫu trong mọi công việc, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, thực thi đúng vai, thuộc bài và tận tụy với công việc; tương tác công việc mang tính phục vụ và phụng sự một cách liêm chính, vô tư; tinh thần cầu thị để luôn học hỏi, đúc kết kinh nghiệm làm việc và tiến bộ; thực hiện theo đúng lời hứa tuyên thệ khi được kết nạp vào Đảng.

Bên cạnh đó, đảng viên cần những phẩm chất cơ bản là thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức cách mạng về cần, kiệm, liêm, chính, rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày; về ý thức chính trị nói đi đôi với làm trong công việc hằng ngày; có bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ vật chất; có ý thức vươn lên trong học tập và công tác; có tinh thần tự phê bình và phê bình để giúp nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức giao phó.

Tin liên quan