Quy trình, thủ tục để thực hiện bồi thường Nhà nước cho người bị oan sai thường tốn không ít thời gian và công sức. Điều đó khiến việc bồi thường cho người bị thiệt hại kéo dài rất lâu, trong khi họ đều gặp khó khăn để có thể trở lại cuộc sống sau thời gian bị kết án oan sai. Đây là thực tế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 trước đây.
Đơn cử, vụ việc “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén khi bị oan ở cả hai vụ án oan là vụ án Vườn Điều và vụ án bà Bông, không chỉ bản thân ông bị tù đày, mà 9 người thân trong gia đình cũng bị lâm vào vòng lao lý. Sau khi 9 người thân đó được minh oan thì 3 thế hệ của gia đình vợ chồng ông Nén gồm: mẹ vợ, vợ chồng anh chị em nhà ông Nén và 3 đứa con của ông Nén lâm vào cảnh đời khổ ải và trở thành “chương” độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Năm 2016, ông Nén đã làm đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện tạm ứng cho ông 1 tỷ đồng để trang trải cuộc sống gia đình hiện đang rất khó khăn, trong lúc chờ đợi giải quyết đầy đủ bồi thường thiệt hại do oan sai 17 năm của ông. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước lúc bấy giờ, việc đề nghị tạm ứng 1 tỷ đồng của ông Nén là không thể thực hiện được vì không có quy định nào cho phép trước khi thụ lý hồ sơ, cơ quan Nhà nước sẽ tạm ứng kinh phí cho người bị thiệt hại.
Nhận thấy bất cập này, trong nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật năm 2009 (nay là Luật năm 2017), Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội thông qua. Điều 44 Luật quy định tạm ứng kinh phí bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo đó, ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định giá trị các thiệt hại theo quy định và đề xuất thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường việc tạm ứng kinh phí bồi thường và mức tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường.
Theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí bồi thường đối với một số trường hợp thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại khác có thể tính ngay được mà không phải xác minh. Chẳng hạn, thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, nếu còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí và chi trả cho người yêu cầu bồi thường. Trên cơ sở kinh phí đã tạm ứng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường. Điều này giúp các cơ quan tài chính làm đúng các chuyên môn thủ tục của mình, lại giúp giảm bớt thời gian chờ đợi cho người bị hại, không khiến cho hồ sơ của họ bị xét đi xét lại nhiều lần – một yếu tố gây nhiều ức chế cho những người vốn đã chịu thiệt hại do oan sai.
Bên cạnh đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã thực hiện rút ngắn một nửa thời gian số ngày giải quyết trong tất cả các bước, từ thụ lý, tiến hành xác minh, thương lượng, ra quyết định bồi thường, cấp và chi trả tiền bồi thường, tổng thời gian giải quyết bồi thường chỉ còn từ 41 ngày – 71 ngày.
Có thể nói, đây là một đột phá và có nhiều tính nhân văn trong việc xây dựng luật, được dư luận đồng tình, đánh giá cao và đến nay đang được triển khai thi hành hiệu quả. Bởi lẽ, người bị thiệt hại do án oan sai là những đối tượng không chỉ chịu tổn thất về mặt vật chất mà còn có thể cả về mặt tinh thần và danh dự. Việc nhanh chóng bồi thường cho các đối tượng này không chỉ giúp họ khắc phục các khó khăn trong đời sống sinh hoạt mà nó còn phần nào xoa dịu các tổn thương tinh thần, giúp họ tin vào pháp luật và Nhà nước.