Bảo đảm hoạt động Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực, hiệu quả

Cập nhật: 09/09/2022 11:06

Sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quá trình sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị rất công phu nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, đồng thời để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo luật định, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H. Long

Không xem xét các dự thảo luật không bảo đảm thời hạn gửi tài liệu

Khắc phục tình trạng cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp bằng cách công khai danh sách các cơ quan và lý do chậm gửi tài liệu là một trong những nội dung được sửa đổi trong Nội quy kỳ họp Quốc hội lần này. Tham gia góp ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ hai, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu rõ, gửi tài liệu kỳ họp đến ĐBQH đúng thời hạn là khâu hết sức quan trọng, đã được quy định chặt chẽ tại Khoản 2, Điều 97, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi năm 2020. Đó là: “các dự thảo luật, dự án, nghị quyết phải gửi đến ĐBQH chậm nhất là 20 ngày và các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày”. Tuy nhiên, thực tế các kỳ họp vừa qua, nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị chậm trễ, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của ĐBQH.

Đây là hạn chế tồn tại nhiều năm qua và chưa có giải pháp triệt để, đại biểu Dương Văn Phước thẳng thắn. Việc thông báo gửi chậm bao nhiêu ngày, nhưng không có chế tài khắc phục sự chậm trễ dẫn đến tình trạng “tái phạm” diễn ra thường xuyên. Do vậy, để đổi mới công tác xây dựng pháp luật, thực thi nghiêm các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các dự án luật trình Quốc hội thông qua, đại biểu đề nghị phải bổ sung chế tài mạnh mẽ, chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn nữa. Theo đó, dứt khoát không trình Quốc hội xem xét đối với các dự thảo luật, dự án, nghị quyết không bảo đảm thời hạn gửi tài liệu theo quy định tại Khoản 2, Điều 97, Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời, bổ sung quy định xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật trong việc chậm trễ, nợ đọng – có như thế mới tránh được tình trạng nợ, chậm trình dự án luật, bảo đảm thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật.

Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, gửi tài liệu chậm đã là vấn đề “muôn thuở”. Đơn cử, “dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ hai chiều qua cũng gửi muộn” – vậy trách nhiệm gửi chậm thuộc về ai? Sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội lần này có nhắc đến chế tài, nhưng chế tài xử lý như thế nào chưa rõ, chỉ công khai danh sách các cơ quan và lý do chậm gửi tài liệu. Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này phải thể hiện sự cương quyết hơn, có như vậy, các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo không dám gửi chậm tài liệu kỳ họp, đại biểu kiến nghị.

Bổ sung quyền của Chủ tọa điều hành là cần thiết

Thẳng thắn chỉ ra thực tế có đại biểu lạm dụng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến cá nhân, hoặc tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn, trong lần sửa đổi này, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi sử dụng quyền tranh luận, đó là phải nêu rõ tranh luận vấn đề gì, với ý kiến của đại biểu nào đã phát biểu trước đó. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chủ tọa điều hành phiên họp cần cương quyết ngắt phát biểu đối với những đại biểu “chen luận”. Tranh luận mà như phát biểu thì phải cần có sự điều tiết, can thiệp kịp thời hơn nữa của Chủ tọa điều hành phiên họp.

Nhấn mạnh vai trò của Chủ tọa điều hành phiên họp là vô cùng quan trọng, quyết định thành công của kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với việc dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Chủ tọa. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể linh hoạt rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu của ĐBQH cũng như thời gian giải trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong một số trường hợp sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội.

Mong muốn có thời gian tranh luận dài hơn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đặt vấn đề, “tranh luận chứ không phải chất vấn”. Do vậy, thời gian tranh luận nên là 3 phút vì đã tranh luận thì phải tranh luận cho ra nhẽ, nói ngắn quá không bảo đảm truyền tải được hết ý ĐBQH mong muốn.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, để sử dụng có hiệu quả thời gian của kỳ họp, cần nghiên cứu đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản, tăng thời gian thảo luận tập trung. Trong quá trình thảo luận, nếu còn có ý kiến trái chiều, Chủ tọa điều hành nên bố trí thời gian thảo luận trước khi xin ý kiến đại biểu nhằm làm sáng tỏ vấn đề hơn. Qua thảo luận, các đại biểu sẽ có thêm thông tin chính xác hơn trước khi biểu quyết thông qua.

Sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quá trình sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH hoạt động chuyên trách đánh giá cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị rất công phu nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, đồng thời để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

theo Anh Thảo – Báo đại biểu nhân dân

Tin liên quan