Biện pháp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí

Cập nhật: 09/11/2020 10:19

Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.

Ảnh minh họa

Những người được bảo vệ

Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định, những người được bảo vệ bao gồm: Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí (gọi chung là người được bảo vệ).

Theo đó, người tố cáo hành vi tham nhũng sẽ được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Việc bảo vệ phải liên quan trực tiếp đến việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người được bảo vệ và có giá trị thực tế từ 2 triệu đồng trở lên.

Về căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ, Dự thảo Thông tư quy định, người được bảo vệ khi có văn bản đề nghị của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc khi có căn cứ xác định về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc do việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, người tố cáo được bảo vệ khi có văn bản đề nghị, yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trường hợp khẩn cấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Tố cáo.

Về quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Người được bảo vệ phải tự chịu trách nhiệm về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của mình trong trường hợp không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Tố cáo.

Trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ người tố cáo 

Về trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ người tố cáo, dự thảo Thông tư quy định, cơ quan công an các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ người được bảo vệ. Quyết định huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, công cụ, biện pháp và các nội dung yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện việc bảo vệ.

Về phía người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo thì kịp thời đề nghị, yêu cầu cơ quan công an cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trong đó, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại các khoản 6, 7, 8 Điều 13; khoản 4 Điều 14; khoản 4 Điều 15; khoản 1 Điều 17 và Điều 16, Điều 20 Luật Tố cáo thì kịp thời đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ đến Giám đốc Công an cấp tỉnh có liên quan, đồng thời gửi Bộ trưởng Bộ Công an để chỉ đạo.

Đối với trường hợp người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 13; khoản 2, 3 Điều 14; khoản 2, 3 Điều 15; khoản 2 Điều 17 và Điều 18, Điều 19 Luật Tố cáo thì kịp thời đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ đến Giám đốc Công an cấp tỉnh. Căn cứ đề nghị, yêu cầu và văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc chỉ đạo Công an các đơn vị trực thuộc có liên quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Còn người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Tố cáo kịp thời đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ đến Trưởng Công an cấp xã; căn cứ đề nghị, yêu cầu và văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo, Trưởng Công an cấp xã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Đối với trường hợp khẩn cấp có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ có thể bị xâm hại ngay tức khắc sau khi thực hiện việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện ngay việc đề nghị, yêu cầu cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cơ quan Công an nơi có thể xảy ra hành vi xâm hại để áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Theo đó, khi nhận được đề nghị, yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo và xét thấy đề nghị, yêu cầu là có căn cứ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, Thủ trưởng Công an các cấp có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền thì Thủ trưởng Công an các cấp có trách nhiệm chuyển ngay đến cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định và thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền biết việc chuyển đề nghị, yêu cầu.

theo Tuệ An – Báo Pháp Luật Việt Nam

Tin liên quan