Biến thách thức thành cơ hội: Uy tín Việt Nam tăng cao trong mắt bạn bè quốc tế!

Cập nhật: 02/02/2021 08:41

Hàng loạt mỹ từ, tít bài ấn tượng bày tỏ sự ngưỡng mộ, thậm chí là thán phục như: “COVID-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam – Điều thần kỳ mới của châu Á?”… tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và dư luận thế giới trong suốt năm qua là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội; tăng trưởng kinh tế và đóng góp vào các hoạt động quốc tế của Việt Nam.

Một Chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế

Trang Liberationnews.org của Mỹ đã không ngần ngại nhận định như trên trước quyết tâm vì người dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện trong năm 2020 đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 lây lan toàn thế giới và đợt mưa lũ cùng lở đất kinh hoàng ở miền Trung vừa qua.

Nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt thì phát biểu trên Đài BBC News rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu”.

Cùng quan điểm, Tạp chí The Diplomat của Mỹ chuyên về chính trị xã hội khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”.

Ngày 16/12/2020, với tựa đề “Ứng phó mạnh mẽ với COVID-19 đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch”, Hãng thông tấn Pháp AFP nhấn mạnh, việc ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19, đẩy mạnh xuất khẩu, chi tiêu công lành mạnh đã giúp Việt Nam vượt khỏi suy thoái toàn cầu, phục hồi nhanh và có thể lọt vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Tạp chí Lữ hành nổi tiếng Travel Daily thì ca ngợi “Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020… Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và tài trí sáng tạo của ban lãnh đạo đất nước, thu phục sự kính trọng, ngưỡng mộ chân thành của cộng đồng thế giới và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Hồi tháng 7/2020, Courthouse New Service của Mỹ đánh giá Việt Nam là “vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Tờ Deutshe Welle của Đức đã chỉ ra nguyên nhân đưa tới thành công là “Chính phủ đã coi cuộc đấu tranh chống dịch bệnh như chiến dịch quân sự và huy động toàn dân”.

Còn mạng The Conversation của Mỹ ca ngợi “tinh thần cao quý của con người. Mỗi cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện tại Việt Nam đều nhắc nhở chúng tôi về giá trị tinh thần cao quý của con người. Những tấm gương sáng đáng khâm phục về tình đoàn kết có thể giúp tất cả chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”.

Trước đó, ngày 29/4, RIA Novosti – một trong những hãng thông tấn lớn nhất và lâu đời nhất của Liên bang Nga khi ca ngợi “Việt Nam thắng COVID-19 một cách ngoạn mục” đã khẳng định: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, thành tích của Việt Nam “thật đáng kinh ngạc”. Điều đáng nói là giờ đây, Việt Nam đã có thể giúp đỡ các nước khác phòng chống dịch bằng cách gửi tặng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế. Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về việc triển khai hồ sơ, thủ tục, hướng dẫn thanh toán chi trả hỗ trợ trên tinh thần hỗ trợ người lao động đúng người, kịp thời, ý nghĩa.

Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cũng từng nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”, trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công.

Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan thì thực sự ấn tượng khi Chính phủ Việt Nam nhanh chóng triển khai hành động nhằm ứng phó với sự xuất hiện trở lại của COVID-19. Và, “Việt Nam cũng làm tất cả những gì tốt nhất để dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng hơn”.

Cho biết, “Việt Nam đã hành động rất rất nhanh”, giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại TP Hồ Chí Minh được BBC dẫn lời hồi trung tuần tháng 5/2020: Việt Nam thực hiện các biện pháp mà các nước khác phải mất hàng tháng mới làm được như hạn chế đi lại, theo dõi chặt chẽ và cuối cùng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. “Chính phủ và người dân rất quen với việc xử lý các bệnh truyền nhiễm và cẩn thận với các bệnh này, có lẽ cẩn thận hơn nhiều so với các nước giàu. Họ biết cách phải phản ứng ra sao trước các bệnh như vậy”.

Hay như, tờ l’Obs của Pháp đăng bài viết đánh giá cao công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam, trong đó khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu” trong cuộc chiến chống COVID-19. Tác giả bài viết đánh giá cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam luôn đồng hành cùng người dân. Theo tác giả, hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trang tin quốc tế Asia Times có trụ sở tại Hồng Công, Trung Quốc, nhận định, không quá lời khi xem Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong việc xử lý dịch COVID-19. Thành quả này nhờ vào việc phong tỏa hiệu quả, nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch, tích cực truy vết nguồn lây và tuyên truyền về các nguy cơ lây nhiễm. Những biện pháp này được thực hiện thành công nhờ sự tín nhiệm cao dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất kể từ thế chiến II, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.

Theo Hãng tin Sputnik của Nga, nhờ đạt được những thành công cơ bản trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ “bật dậy và phục hồi nhanh chóng” giai đoạn hậu COVID-19.

Chung nhận định này, trang Globalnews.ca của Canada lưu ý thành công của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống dịch COVID-19 đã “giúp tăng thêm độ tin cậy của giới đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam đang định vị mình như là “một địa bàn an toàn cho kinh doanh”.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho thấy, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016 – 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Tại báo cáo ngày 22/12, WB cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới. Với thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19, theo tất cả các chuẩn mực, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng COVID-19, Báo cáo “Điểm lại” của WB nhận định.

Còn theo Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 do Brand Finance – hãng định giá thương hiệu Anh – công bố cách đây chưa lâu, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, với ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.

Với tựa đề “Kinh tế và mức sống của người Việt Nam liệu sẽ theo kịp Thái Lan, thậm chí Malaysia, trong tương lai gần hay không?”, BBC ngày 6/6/2020 khẳng định: Sau ba thập niên đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Dẫn lời tiến sĩ Chayodom Sabhasri, Khoa Kinh tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thái Lan, BBC cho biết: Kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Gần đây rõ ràng, đầu tư nước ngoài trực tiếp của phương Tây đã chuyển từ một số thành viên ASEAN sang Việt Nam. Đầu tư Nhật Bản ở Thái Lan năm 2020 cũng đã chuyển hướng sang Việt Nam. “Chắc chắn Việt Nam sẽ sớm theo kịp các thành viên hàng đầu trong ASEAN”, ông Chayodom Sabhasri nói.

Giáo sư, tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd, từ Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS), Tokyo, Nhật Bản, thì nhấn mạnh: “Nếu nhìn mức tăng trưởng của 5 năm vừa qua, Việt Nam tăng nhanh hơn cả Malaysia và Thái Lan”. Và, “Việt Nam có lợi thế về lao động rẻ hơn nhưng có kỹ năng khá, thị trường lớn, ổn định chính trị, mạnh về các môn học STEM, hạ tầng cơ sở đang cải thiện”. Chính vì thế, các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng quan tâm Việt Nam.

Bài viết “Việt Nam – Điều thần kỳ mới của châu Á?” của tác giả Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng toàn cầu của Bộ phận Quản lý đầu tư của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley đăng trên New York Times của Mỹ ngày 13/10/2020

Ở khía cạnh liên quan, sau khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), báo chí thế giới đã có nhiều bài viết nhận định điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận với thị trường Việt Nam và ngược lại.

Trang web của Phòng Thương mại Áo khẳng định, việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Áo tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Đông Nam Á này. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, nền kinh tế mạng và có tính cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cùng lực lượng lao động trẻ, năng động, Việt Nam cũng sẽ trở thành trung tâm về công nghệ, kỹ thuật số và khởi nghiệp của châu Á.

Trong bài viết có tựa đề “Việt Nam phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với châu Âu”, Hãng tin Reuters cho rằng, thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam mở cửa các dịch vụ, trong đó có thị trường bưu chính, ngân hàng, vận tải biển và mua sắm công.

WB thì dự báo, EVFTA không chỉ giúp Việt Nam thúc đẩy GDP và xuất khẩu lần lượt lên 2,4 và 12% vào năm 2030 mà còn giúp cải thiện sinh kế của hàng trăm nghìn người.

Về triển vọng năm 2021, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản dự báo “Việt Nam sẽ dẫn đầu 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN về tăng trưởng”.

Mạng S&P Global của Mỹ tin tưởng, mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn “bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Việt Nam là bậc thầy về nghệ thuật đàm phán

Tờ Times of India của Ấn Độ ghi nhận rằng, trong năm 2020, uy tín Việt Nam đã tăng lên cả trong khu vực và trên trường quốc tế… Không có gì nghi ngờ rằng, để duy trì cân bằng chiến lược dựa trên trật tự thế giới và pháp quyền, điều kiện tiên quyết là Việt Nam giữ vững vị thế trung tâm… Việt Nam biết cách tiếp xúc với các cực khác nhau của chính trị quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của mình.

Cũng theo tờ báo này, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ mang tính xây dựng trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ”.

Còn Tạp chí Forbes của Mỹ, trong số ra ngày 29/12/2020 đã đánh giá: “Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại bùng nổ, Hà Nội đã khôn ngoan tự định vị mình như một hàng rào lý tưởng trước cuộc đối đầu Mỹ – Trung” và “Việt Nam là bậc thầy về nghệ thuật đàm phán”.

Đối với việc Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới, tiến sỹ Ngeow Chow Bing, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia khẳng định với TTXVN, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiểm soát đại dịch và xứng đáng được ca ngợi và chúc mừng như vậy. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam bất ngờ phải chuẩn bị cho việc sắp xếp lại lịch trình và nhiều diễn biến bất ngờ khác, cũng như đang phải đối phó với những diễn biến khó lường. Tất cả các nước ASEAN đánh giá cao những trách nhiệm to lớn mà Việt Nam phải đảm nhận tại thời điểm này.

Ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie của Indonesia thì nhận định Việt Nam ngày càng trở thành “tấm gương” phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực. Cho rằng, điều đáng khích lệ là Việt Nam ngày càng được xem là một trong những nhà lãnh đạo của ASEAN, nhà nghiên cứu Indonesia thừa nhận: “Chúng ta đang chứng kiến một Việt Nam tự tin hơn trên vũ đài thế giới và có những đóng góp quan trọng cho khu vực mỗi khi giữ chức Chủ tịch của ASEAN”.

Bài viết “Việt Nam: Ngôi sao sáng tại châu Á” đăng trên Báo Jerusalem Post của Israel đánh giá cao việc nước ta thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế. Với phương châm tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), ký EVFTA, EVIPA, kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những hiệp định này giúp hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các nước và khu vực tăng mạnh.

Bài viết trên Jerusalem Post đánh giá cao những thành tựu ngoại giao và kinh tế của Việt Nam

Dưới tựa đề “Tại sao chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam”, Tạp chí Forbes phiên bản Israel đánh giá cao thành tựu chính trị, kinh tế, ngoại giao và thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế – xã hội trong suốt nhiều thập kỷ qua. Môi trường kinh doanh thuận lợi và các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, Forbes kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nên nghĩ đến đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước khác đang chìm trong đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế tại phương Tây.

Hồi tháng 10/2020, khi ông Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản, truyền thông quốc tế nhận định hành động này phản ánh những tiến bộ đáng kể trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, rằng “Việt Nam có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với Nhật Bản”.

Theo Time of Indian, việc Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và trở thành Thành viên Không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia vững vàng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.

Trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy thách thức và biến động do đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, đó là vừa chống dịch COVID-19, đồng thời vẫn giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế, xã hội. Đây là thành tích lớn lao của đất nước trong năm 2020. Và, “chính những thành quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong thực hiện “mục tiêu kép” ở trong nước và đóng góp hiệu quả trên trường quốc tế đã giúp Việt Nam nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu, một lần nữa khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” – giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales của Australia nhấn mạnh.

theo Minh Tuấn (Tổng hợp) – Báo thanh tra

https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/uy-tin-viet-nam-tang-cao-trong-mat-ban-be-quoc-te-177706.html

Tin liên quan