Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Còn kiểm tra chuyên ngành mò mẫm, lúc bảo được, lúc bảo không”

Cập nhật: 20/02/2020 09:11

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, dù thực hiện cải cách quyết liệt nhưng công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất nhiều tồn tại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Chiều ngày 18/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp xây dựng dự thảo Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019.

Có địa điểm kiểm tra chung vẫn phải về Bộ nộp hồ sơ

Theo đánh giá của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua, công tác kiểm tra hải quan, kiểm tra chuyên ngành có nhiều tiến bộ, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là công tác cải cách của hải quan.

“Chúng ta tiết kiệm được 90 USD/1 tờ khai/lô hàng. Như vậy mỗi năm chúng ta tiết kiệm được khoảng 200 triệu USD”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất nhiều tồn tại. Đơn cử, trong hơn 11 triệu tờ khai, có khoảng 5,3 triệu tờ khai nhập khẩu nhưng tỷ lệ phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng rất thấp, chỉ 0% đến 0,47%.

“Còn rất nhiều mặt hàng, các bộ không ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn mà không ban hành được quy chuẩn, tiêu chuẩn thì kiểm tra mò mẫm, lúc bảo được, lúc bảo không”, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Ngay cả áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro không triệt để; áp dụng công nhận lẫn nhau, nhất là các tổ chức nước ngoài với hàng nhập khẩu thì cũng không hiệu quả. “Mặt hàng chúng ta không sản xuất được mà cứ đè ra kiểm tra”, ông Dũng phát biểu.

Thêm vào đó, vẫn có những mặt hàng 3 bộ, 2 bộ vào kiểm tra. Cơ quan hải quan kiểm tra rồi, kiểm tra chuyên ngành vẫn xuống. Rồi địa điểm kiểm tra chuyên ngành chung đặt ra nhưng vẫn về bộ nộp hồ sơ.

Do vậy, Bộ trưởng Dũng cho rằng, phải tăng cường cải cách theo đúng quan điểm của Thủ tướng là “cải cách thủ tục hành chính là tạo dư địa cho tăng trưởng”.

“Phải làm sao vẫn kiểm soát được hàng hoá, bảo đảm sức khoẻ cho người dân, bảo đảm trật tự quản lý xã hội, văn hoá, truyền thống, đặc biệt là an ninh quốc phòng nhưng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là cho xuất khẩu, nhập khẩu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đề xuất hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra hàng hoá

Ông Mai Văn Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến thời điểm này, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành được trên 12,6 nghìn mặt hàng. Số liệu này vẫn là rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng là phải cắt giảm được 50%.

“Hiện còn khoảng 70 nghìn mặt hàng thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành”, ông Thành nói và thông tin, trình tự, thủ tục kiểm tra thì phức tạp, gây tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân là quy định trong kiểm tra chuyên ngành còn khác biệt quá lớn, nhiều cơ quan tham gia với cách làm khác nhau làm thủ tục thêm rườm rà, không thống nhất.

Toàn cảnh cuộc họp

Từ đó, Bộ Tài chính đưa ra đề án đổi mới mô hình kiểm ra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó đề xuất, cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá thuộc các lĩnh vực được phân công.

Việc kiểm tra sẽ áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tức là chỉ yêu cầu kiểm tra tối thiểu 5% lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm; việc thử nghiệm mẫu chỉ thực hiện khi cần thiết và thủ tục thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.

Bộ Tài chính cũng đề xuất lộ trình thực hiện giai đoạn 1 là từ nay đến 2022, thử nghiệm cơ sở pháp lý và thí điểm mô hình; giai đoạn 2 đến năm 2023.

Hải quan có lấy quyền của bộ, ngành?

Bày tỏ băn khoăn, bà Nguyễn Thị Kim Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hiện ngành Nông nghiệp có hơn 7.000 dòng hàng. Cần phải định ra dòng hàng nào cơ quan hải quan làm được, dòng hàng nào cơ quan nông nghiệp đảm nhiệm.

“Nên chăng chọn một số mặt hàng và bộ, ngành thí điểm trước được hay không bởi nếu làm đồng loạt thì chưa lường hết khó khăn, vướng mắc. Cả hệ thống chỉ đưa về một cơ quan hải quan là rất khó khăn”, bà Kim Anh phát biểu.

Ông Phan Chí Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề nghị, mục tiêu đề án cần xác định rõ là tăng kết nối cơ quan, giảm chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp chứ không phải phân quyền các cơ quan. Vì một ngày chậm thông quan, dây chuyền sản xuất chạy không thì tốn kém cho doanh nghiệp, chứ không nên thảo luận cơ quan hải quan lấy quyền của bộ ngành.

Theo đó, ông Hiếu cho rằng, đề án cần xác định rõ vai trò của cơ quan hải quan và các bộ ngành sắp tới là gì? Vai trò của hải quan và cơ quan kiểm tra chất lượng chuyên ngành bộ, ngành sẽ phối hợp thế nào, trách nhiệm ra sao để doanh nghiệp thực hiện dễ dàng, hiệu quả.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thuỳ, Phó Giám đốc Ban IV – Phát triển Kinh tế tư nhân cho hay, doanh nghiệp rất đồng ý chủ trương tiếp tục cải cách để triển khai một đầu mối ở cửa khẩu, tại khâu thông quan chứ không phải trong chuỗi hàng hoá.

Trước những hoài nghi về tính khả thi và năng lực thực hiện của hải quan, theo bà Thùy, cần tiếp tục có trao đổi kỹ hơn với các bộ và doanh nghiệp. Cụ thể nêu rõ các vấn đề mà hải quan có thể tự làm, tập trung vào những mặt hàng quan trọng, nhạy cảm với nền kinh tế thường xuyên xảy ra vi phạm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các tổ chức đánh giá chất lượng, tránh để tập quyền và tập trung.

Theo Hương Giang – thanhtra.com.vn

http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/bo-truong-mai-tien-dung-con-kiem-tra-chuyen-nganh-mo-mam-luc-bao-duoc-luc-bao-khong_t114c1067n160539

Tin liên quan