COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong 2022?
Trong công điện gửi các địa phương mới đây, Bộ Y tế cho biết đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trước biến chủng mới Omiron. Đến nay, biến chủng này đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, tính đến 5/1 đã ghi nhận 25 ca nhiễm Omicron, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay.
“Trong thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron từ người nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn”, Bộ Y tế cảnh báo.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn. Số ca nhiễm có thể tăng nhanh, ngay cả khi đã tiêm vaccine. Những nghiên cứu gần đây cho thấy Omicron có thể ít gây chuyển nặng hơn so với Delta, nhưng nếu lây lan diện rộng ở Việt Nam, số ca nhiễm tăng nhanh, sẽ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, khiến số ca tử vong tiếp tục tăng lên.
Vì vậy, năm 2022, ngành y tế ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là tập trung chống dịch, góp phần phục hồi kinh tế – xã hội. “Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn trước mắt, bởi mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh”, ông Long nói.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị nhân lực y tế…
Các địa phương giám sát, quản lý chặt người nhập cảnh. Khi phát hiện ca nhiễm Omicron, địa phương mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả người tiếp xúc, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả nhanh nhất.
Phân tầng điều trị, giảm tối thiểu các trường hợp tử vong được Bộ Y tế nhấn mạnh là “ưu tiên hàng đầu”. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.
Người dân được khuyến cáo nâng cao cảnh giác trước biến chủng Omicron, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm 5K, tiêm vaccine đầy đủ. Người nhập cảnh và gia đình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú, xét nghiệm nCoV khi mới nhập cảnh theo quy định.
Các ca nhiễm biến chủng Omicron chủ yếu không có triệu chứng
Omicron xuất hiện lần đầu ở Nam Phi vào cuối tháng 11, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là biến chủng đáng lo ngại, có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn các biến chủng trước đó. Các nhà khoa học chưa kết luận về độc lực của virus, song một số bác sĩ và chuyên gia nhận định tỷ lệ chuyển nặng và nhập viện sau nhiễm biến chủng thấp hơn.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron, phần lớn các trường hợp này không có triệu chứng. Trong 25 ca biến chủng Omicron là các trường hợp nhập cảnh và đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, trong đó Hà Nội có 1 trường hợp, Quảng Nam (14), TP HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện tại nước ta (ngày 19/12/2021) đã được ra viện ngày 2/1/2022 sau 2 tuần theo dõi sức khỏe. Trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng. Ca nhiễm Omicron tại Hải Dương (ngày 22/12/2021) cũng đã được ra viện (ngày 3/1/2022).
Tại Quảng Nam, 14 trường hợp mắc Omicron đều không có triệu chứng lâm sàng. Các ca tương tự tại TP HCM sức khỏe ổn định và hiện đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
TS. Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết các ca nhiễm Omicron này đều là người đã tiêm vaccine. Bình thường người đã tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ (trường hợp ở Hải Dương có ho kèm theo khản tiếng, không đau họng, không sốt, không tức ngực khó thở), thậm chí không có triệu chứng. Điều này cũng tương tự ở các nước khác như Mỹ, Nhật…
Theo Bộ trưởng Y tế, tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ. Điều này có thể dẫn đến việc số mắc tăng nhanh, gây quá tải hệ thống y tế.