Ngày 30.8, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng Công nghệ mới trong công trình xanh” lần thứ 9 (Hội thảo ATiGB 2024) với sự tham gia của đại diện hơn 40 tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo đại diện ban tổ chức, Hội thảo ATiGB 2024 là sự kiện được tổ chức thường niên diễn ra từ năm 2016 đến nay (lần thứ 9), quy tụ mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên trong nhiều lĩnh vực, chuyên ngành có liên quan đến công nghệ xanh nhằm trao đổi, chia sẻ các ý tưởng, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó đề xuất các giải pháp, công nghệ mới phục vụ yêu cầu, chiến lược phát triển bền vững.
Trong đó, thuật ngữ Công trình xanh – Green Buildings được hiểu rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực không chỉ giới hạn là các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi – thủy điện mà còn là một khu đô thị xanh, khu công nghiệp xanh với các thiết bị, tiện nghi, phương tiện, năng lượng xanh trong quy hoạch, môi trường (khí, đất và nước…) xanh. Hơn thế, để “xanh, bền vững” cần phải “thông minh” từ tư duy, ý tưởng đến quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành, quản lý và khai thác.
Với chất lượng, quy mô và cách thức tổ chức theo chuẩn mực quốc tế, Hội thảo ATiGB 2024 có hơn 300 nhà khoa học, doanh nghiệp, giảng viên của Việt Nam và các nước trên thế giới tham dự.
Ban tổ chức cũng đã nhận được 191 bài báo của 440 tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như: Việt Nam, Malaysia, Singapore, Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ… Sau quá trình chọn lọc, có 141 bài báo được chấp nhận, trong đó, có 90 bài báo đăng trên IEEE Xplore và 51 bài báo đăng trên Kỷ yếu Hội nghị Quốc gia có ISBN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo ATiGB 2024, PGS. TS. Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Hội thảo lần này có báo cáo nghiên cứu ở các lĩnh vực chuyên biệt như: kỹ thut xây dựng, giao thông, kiến trúc, năng lượng mới, công nghệ tự động hóa, IoT và AI,… Mỗi lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải tiến công nghệ và những chiến lược mà sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai bền vững.
Hôm nay, hội thảo đón hơn 300 khách tham dự từ hơn 40 tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều báo cáo về những chủ đề liên quan đến AI, năng lượng bền vững. Những báo cáo này hứa hẹn ấn tượng và nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học. Trong tương lai, chúng tôi mong nhận được thêm những chia sẻ và bình luận của các nhà khoa học”.
Phiên toàn thể của Hội thảo ATiGB 2024 có 3 keynotes do 3 diễn giả uy tín trình bày gồm: GS. TSKH. Bùi Văn Ga – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng với đề tài “Triển vọng tương lai của Hydro như một nhiên liệu bền vững trong ngành công nghiệp ô tô”; GS. Yo-Ping Huang – Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Penghu, Đài Loan (Trung Quốc) với đề tài “AIoT trong năng lượng xanh và nuôi trồng thủy sản” và GS.TS. Đỗ Phúc – Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài “Trí tuệ nhân tạo trong tin sinh học”.
Bên cạnh phiên toàn thể, Hội thảo ATiGB 2024 có 7 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: tiểu ban Kỹ thuật điện, tự động hóa và thiết kế vi mạch bán dẫn; tiểu ban Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiểu ban Kỹ thuật xây dựng và kiến trúc; tiểu ban Công nghệ hóa học và môi trường; tiểu ban năng lượng tái tạo và 2 tiểu ban Kỹ thuật cơ khí và Cơ khí ứng dụng.
Trên cơ sở thúc đẩy các cuộc thảo luận học thuật, khoa học và công nghệ, ATiGB 2024 hướng đến việc đưa ra những giải pháp thiết thực và hữu hiệu nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức đặt ra trong thực tiễn; góp phần tích cực vào sự phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam, cũng như trên thế giới.
Điển hình như công trình khoa học “Thiết kế và nghiên cứu đặc trưng áp điện của biến tử siêu âm công suất sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn” của Thầy Nguyễn Văn Thịnh và cộng sự được báo cáo tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh-ATiGB 2024”. Đề tài này là một phần của kết quả nghiên cứu theo định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản, kết hợp kỹ thuật công nghệ và triển khai ứng dụng thuộc lĩnh vực thủy âm, siêu âm công suất trong quân sự và dân dụng.