Cần sớm xây dựng Luật Thừa phát lại

Cập nhật: 26/11/2021 09:08

Đây là đề xuất của Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình (Hà Nội) nhằm tháo gỡ một cách cơ bản, toàn diện cho hoạt động của thừa phát lại.

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thừa phát lại còn một số vướng mắc. Các cơ quan, đặc biệt một số UBND, Công an cấp xã, phường, cán bộ công chức chưa hiểu biết nhiều về Thừa phát lại, nên Thư ký và Thừa phát lại còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phối hợp, đặc biệt trong việc xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt văn bản và trực tiếp tổ chức thi hành án. Không ít lần cán bộ đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của Thừa phát lại. Nhiều vụ cán bộ phải đi lại nhiều lần mà không có kết quả. Có cán bộ Tư pháp phường khi tiếp nhận văn bản của Tòa án nhân dân do Thừa phát lại giao đã không ký nhận vào Biên bản giao nhận, lý do đơn giản là họ không biết về đội ngũ thừa phát lại.

Có cơ quan đã chần chừ, kéo dài thời gian thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại trong việc phối hợp xác minh điều kiện thi hành án. Có trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận cuộc họp gia đình cử người làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ghi nhận sự kiện, hành vi), nhưng cũng có cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận, cho rằng “Thừa phát lại không có thẩm quyền”, gây không ít bức xúc trong nhân dân và một số cơ quan khác.

Về hành lang pháp lý, theo Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, các văn bản pháp luật về Thừa phát lại chậm được ban hành và có nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế. Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội có hiệu lực thực hiện từ 01/01/2016, nhưng đến 08/01/2020 mới có Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Tuy vậy khi có văn bản pháp luật này lại có nhiều quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng như cho phép lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc nhưng không quy định rõ ràng cách thức thực hiện trong khi cấm lập các điểm giao dịch ngoài trụ sở,

Nghị định quy định cứng mức trần giá dịch vụ tống đạt văn bản cho TAND, Viện KSND, cơ quan THADS, trong khi giá cả thị trường, tiền lương lao động … biến động hàng ngày. Nghị định giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự theo yêu cầu của đương sự cho Thừa phát lại, nhưng lại cấm Thừa phát lại áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án (Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định khi tổ chức thi hành án dân sự Thừa phát lại có nhiệm vụ và quyền hạn như Chấp hành viên mà còn khó thực hiện).

Quy định về cách sửa lỗi kỹ thuật hoặc Thừa phát lại phải ký từng trang của vi bằng cũng là những quy định thiếu thực tế, gây không ít khó khăn cho Thừa phát lại khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt có những vi bằng ghi nhận nội dung trên Website có thể đến 500 trang, lập 04 bản chính thì Thừa phát lại phải ký 2000 trang, trong khi đã quy định việc đóng dấu giáp lai các trang.

Bên cạnh đó, chế định Thừa phát lại đụng chạm đến nhiều lĩnh vực: Đất đai, Môi trường, Kinh doanh thương mại, Doanh nghiệp, Tổ chức tín dụng … mà các lĩnh vực này đều đã được điều chỉnh bằng Luật, trong khi tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại mới được điều chỉnh bằng Nghị định nên không tránh khỏi có nhiều xung đột pháp luật trong quá trình thực hiện. Để tạo điều kiện cho hoạt động có hiệu quả của Thừa phát lại, cần sớm xây dựng Luật Thừa phát lại.

Để hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố đi vào nề nếp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các Văn phòng hoạt động đúng quy định của pháp luật, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đề nghị UBND thành phố chỉ đạo giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND thành phố, Tòa án ND thành phố, Công an thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố lập và ban hành Quy chế phối hợp trong việc thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố.

9 tháng đầu năm Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã lập 1.500 Vi bằng, ghi nhận các hành vi, sự kiện pháp lý làm căn cứ để các tổ chức và cá nhân thực hiện các giao dịch hợp pháp, và làm chứng cứ trước Tòa. 100% vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội theo đúng quy định. Đã tống đạt 810 văn bản (giấy báo, thông báo, quyết định của Tòa án) cho TAND quận Ba Đình, thu 75.560 ngàn đồng.

Tổ chức thi hành án dân sự: đã thu được 12.200.000.000 đồng cho Ngân hàng, thu được 360 triệu tiền phí thi hành án.

Hiện, Văn phòng có 24 Thừa phát lại, trong đó có 03 Thừa phát lại Hợp danh và 21 Thừa phát lại Hợp đồng

theo Bình An – Báo Pháp luật VN

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24