Hiện nay, tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành, trong đó có tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh" (Điều 194).
Tuy nhiên, trước thực trạng rất nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả được phát hiện tại một số địa phương, báo chí có nhiều tin, bài phản ánh lo ngại, bức xúc của người dân về nạn thuốc giả trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ án tử hình đối với tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh", đồng thời cần tăng nặng hơn nữa chế tài đối với hành vi này.

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, ngày 18/4, Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 2 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh, TP. HCM trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đáng chú ý, tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thanh Hùng (phường 2) bày tỏ quan điểm không nên bỏ án tử hình đối với một số tội danh, trong đó có tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh" (Điều 194 Bộ luật Hình sự).
Theo ông Hùng, đây là những hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân. Ông dẫn chứng một loạt vụ việc gần đây như Công an Thanh Hóa bắt giữ nhóm đối tượng sản xuất 21 loại thuốc giả là tân dược, thuốc chữa xương khớp với số lượng hàng chục ngàn hộp; vụ phát hiện 573 loại sữa giả tại Hà Nội;...
Chia sẻ quan điểm với Tạp chí Luật sư Việt Nam về đề xuất này, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự Công ty Luật TAT Law Firm bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm với những phẫn nộ của dư luận trước những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả – hành vi trực tiếp đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân.
"Nhiều người lo ngại rằng bỏ tử hình sẽ khiến tội phạm này lộng hành. Tôi cho rằng nỗi lo đó là xác đáng, nhưng giải pháp không phải là kéo dài án tử hình. Việc bỏ tử hình không đồng nghĩa với khoan nhượng. Người phạm tội vẫn phải chịu những hình phạt nghiêm khắc và thích đáng. Đặc biệt, việc giảm tử hình phải đi kèm với tăng cường các hình phạt thay thế đủ mạnh như tù chung thân, tịch thu tài sản, cấm hành nghề, bồi thường thiệt hại nghiêm khắc và công khai danh tính để răn đe cộng đồng.
Quan trọng hơn, phòng ngừa mới là cách bảo vệ cộng đồng bền vững. Cần siết chặt hệ thống kiểm tra chất lượng dược phẩm, nâng cao năng lực thanh tra ngành y tế, đẩy mạnh công khai minh bạch nguồn gốc thuốc. Nếu cơ quan quản lý làm tốt từ gốc, thì cơ hội để hàng giả tràn lan sẽ bị bịt kín ", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.
Công điện nêu rõ, thời gian vừa qua, Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc trong Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo tại các Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025, số 41/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025, Công văn số 3700/VPCP-KGVX ngày 28 tháng 4 năm 2025 và Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 28 tháng 4 năm 2025, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vụ việc nêu trên.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, đảm bảo sự an toàn và quyền lợi cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện; phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để bỏ lọt các trường hợp vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, đồng thời lưu ý tăng cường quản lý nhà nước đối với mỹ phẩm, không để xảy ra các sai phạm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả; đồng thời phối hợp chặt chẽ, cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các nền tảng mạng xã hội, trên các xuất bản phẩm liên quan đến các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả theo quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hoá về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; kiểm tra, xử lý việc quảng cáo, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên môi trường mạng; khẩn trương rà soát, thu hồi các loại thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả đã được phát hiện trên địa bàn, để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại cho người dân.