Chất vấn không phải sát hạch mà là một hình thức giám sát

Cập nhật: 15/03/2024 15:09

Đây là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi làm việc để chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chất vấn và trả lời chất vấn là công tác thường xuyên trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những năm gần đây, trước các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sáng kiến tổ chức phiên họp trù bị để chuẩn bị, thảo luận về cách thức tổ chức thực hiện, giúp phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt được chất lượng cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất vấn không phải sát hạch mà là một hình thức giám sát, để cộng đồng trách nhiệm, làm rõ thực trạng, tình hình, đề ra giải pháp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước một cách tốt hơn.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày 18/3. Vào buổi sáng, các Đại biểu sẽ tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính; buổi chiều sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Về cách thức chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, chủ tọa sẽ mời từ 03-05 Đại biểu đặt câu hỏi; Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 01 phút; người được chất vấn trả lời không quá 03 phút/câu hỏi; tranh luận không quá 02 phút cho mỗi lượt chất vấn. Phiên chất vấn sẽ được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, các Bộ trưởng: Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính đều đánh giá cao sáng kiến, cách làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm cho phiên chất vấn diễn ra thành công.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng chia sẻ, chất vấn lần này là dịp để Bộ được báo cáo trước các Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước về những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ, đóng góp vào kết quả công tác đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước. Qua đó, mong muốn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của Đại biểu Quốc hội, cử tri trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, sẽ trả lời hết sức mình, thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, các Đại biểu Quốc hội và nhân dân.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuy không mới nhưng có tính chất phức tạp, đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung tài liệu, báo cáo, dự thảo nghị quyết chất vấn và các văn bản liên quan. Cùng với đó, công tác điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn cần bám sát những nội dung đã đề ra; các Bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm.

Đối với lĩnh vực tài chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung chất vấn về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng.

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đối với lĩnh vực ngoại giao

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; Tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư;

Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

theo TRẦN VŨ (t/h) – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/chat-van-khong-phai-sat-hach-ma-la-mot-hinh-thuc-giam-sat-1710488940.html

Tin liên quan