Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) |
Nghiên cứu kỹ các loại tài sản phi pháp để xử lý
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta đã có thành công lớn và tạo ra bước ngoặt trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua. “Trong 4 – 5 năm mà hơn 100 cán bộ cao cấp phải xử lý. Phải nói rằng lịch sử Đảng đã có nốt son đậm trong nhiệm kỳ XII trong việc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả. Chính điều này đã củng cố niềm tin và lòng tin của người dân đối với Đảng. Tôi nghĩ rằng sau này lịch sử Đảng nếu nói đến nhiệm kỳ XII thì điểm sáng nhất có lẽ là công tác xây dựng Đảng”, ông Cương nói.
Đánh giá việc thu hồi tài sản “ở chừng mực nào đó còn chưa đạt yêu cầu”, ông Cương cho rằng đó là lý do Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04 để đáp ứng yêu cầu thực tế. Từ Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cần cụ thể hóa để đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Cuộc sống cần cái cụ thể. Cán bộ, đảng viên và người dân rất chờ mong cái cụ thể đó. “Phải thông qua những văn bản của Nhà nước dưới dạng luật và văn bản dưới luật để chuyển tải tư tưởng chỉ đạo của Đảng vào cuộc sống. Do đó, Quốc hội, Chính phủ phải thể chế hóa Chỉ thị của Ban Bí thư. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp cần giúp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại, điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành để hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này”, ông Cương đề xuất.Tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, bên cạnh thành công như vậy, cũng có một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra là thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. “Phải khẳng định việc thu hồi tài sản trong nhiệm kỳ XII cũng là một thành công lớn. Vụ Mobifone mua AVG đã thu lại được số tiền chưa bao giờ có. Nhưng bên cạnh đó cũng thấy rằng vẫn còn nhiều tài sản tham nhũng chưa thu được mà một trong những mục tiêu đấu tranh chống tham nhũng là phải thu hồi được tài sản. Việc xử lý cán bộ hư hỏng, tha hóa là một phần thôi, phần quan trọng là thu hồi tài sản. Rõ ràng đây là vấn đề phải cố gắng, phải làm tốt hơn nữa”, ông Cương nhận định.
Gợi mở về vấn đề này, ông Cương kiến nghị ra một đạo luật riêng hoặc bổ sung vào các đạo luật hiện có (như Luật Phòng chống tham nhũng) các quy định nhằm đẩy mạnh việc thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng. Cùng với đó, cần nghiên cứu rất kỹ các loại tiền và tài sản bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để có hướng xử lý. Các văn bản luật và dưới luật cần cụ thể, phân loại các loại tài sản thu và hướng xử lý với từng loại. Ví dụ, loại tài sản làm thất thoát, rất khó thu hồi thì phải xử lý thế nào? Với loại tội phạm có hành động hối lộ, nhận hối lộ cụ thể hoặc những hành động khác mà tính toán cụ thể được tài sản thì dứt khoát trong văn bản luật hoặc dưới luật phải quy định, buộc kẻ tham nhũng phải hoàn trả, nếu không hoàn trả thì phải tăng nặng trong tình tiết xử lý.
Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo
Đánh giá cao Chỉ thị của Ban Bí thư yêu cầu phải có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ông Cương cho rằng việc giám sát quyền lực, giám sát về tài sản cần phải chặt chẽ, cụ thể. Ví dụ, một người trước khi trở thành thứ trưởng thì có tài sản bao nhiêu và sau khi trở thành thứ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố thì khối tài sản là bao nhiêu.
Cho rằng quy định của ta mới nêu chung chung nhưng thiếu những định chế cụ thể, ông Cương kiến nghị cần có một bộ luật công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ để người dân cùng giám sát. Càng minh bạch, càng công khai bao nhiêu thì càng có khả năng loại bỏ tham nhũng.
Cho rằng các vấn đề đặt ra trong Chỉ thị 04 nhận được những phản ứng rất tốt của người dân, cử tri, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua Chỉ thị, người dân thấy được Đảng đang quyết liệt trong vấn đề thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng. Người dân cũng mong đợi, thông qua việc ban hành Chỉ thị, Đảng sẽ lãnh đạo một cách sát sao hơn, quyết liệt hơn, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ còn bàng quan với công tác này.
Ông Lưu Bình Nhưỡng-Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Ủng hộ Chỉ thị đề cập đến việc phải có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ông Nhưỡng cho biết, thực chất, các quy định của pháp luật đã đề cập đến vấn đề này. Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng cũng nêu việc phải làm sao để khuyến khích, đồng thời bảo vệ người tố cáo, bảo vệ những người dám đứng lên tố cáo. “Vấn đề này là hoàn toàn đúng. Đảng phải dựa vào dân để lãnh đạo, để có thể kịp thời phát hiện những sai trái của chính đảng viên. Ở đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người dân phải bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước bằng cách phải làm sao để xử lý được những sai trái”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Song, ông Nhưỡng chỉ ra rằng, thực tế có những người đứng ra tố cáo những việc sai trái nhưng con cái họ lại bị “nói ra, nói vào”, bị gây khó dễ. Do đó, điều quan trọng là cơ chế để đảm bảo cho người dân cảm thấy vững tâm để tham gia vào vấn đề tố cáo, đảm bảo cho người tố cáo được an toàn. “Vậy có cơ chế khuyến khích gì không, có thưởng gì không, họ được thưởng bao nhiêu từ số tài sản thu hồi được. Ai là người khen thưởng? Những vấn đề này phải được làm rõ và đặc biệt phải bảo vệ người tố cáo được an toàn”, ông nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng tâm đắc việc Chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. “Việc phải nâng cao trách nhiệm là đúng; tránh để tình trạng ì ạch, muốn làm thì làm, muốn không làm thì không làm. Có những người không thích “dây” vào những câu chuyện này vì đây là việc rất tế nhị, khó khăn, thậm chí những rủi ro về mặt tình cảm đối với những đồng chí, đồng đội, những người tiền nhiệm của mình”, ông Nhưỡng nói.
Vẫn theo ông Nhưỡng, chúng ta đã có Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự… nhưng nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện tốt quy định để thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản.
Đề cập đến yêu cầu nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nêu trong Chỉ thị, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị phải quy định rõ về thời hạn và phải có biện pháp xử lý việc không chấp hành, không phối hợp trong công tác thu hồi tài sản.