Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 15/8, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) nêu thực trạng, việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nêu rõ, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của văn bản quy phạm pháp luật…
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc nợ, chậm ban hành là vấn đề đã bàn từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, số lượng văn bản bị nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tư pháp. (Ảnh: DUY LINH) |
Bộ trưởng cho rằng, tình trạng chậm, nợ văn bản là có thật, mặc dù đã cố gắng nhưng có những nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Nguyên nhân là do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc có những luật, nghị quyết có thời điểm thông qua và có hiệu lực ngắn nên phải thực hiện cấp tốc các nghị định nhưng vẫn không kịp, thí dụ các nghị quyết về thí điểm chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố.
“Nhiều khi có tâm lý làm một luật sau đó là được cái gì thì đưa vào đó, còn không thì cứ quy định rồi tính sau. Có tâm lý và thực tế như vậy”, Bộ trưởng nói.
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết kỳ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật. Trong đó, quy định chi tiết việc bảo đảm kỷ luật hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm tổ chức thi hành.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định về một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản, yêu cầu nếu trách nhiệm của bộ, ngành nào phải ban hành văn bản, soạn thảo và chủ động ban hành mà không có sự chủ động đó thì phải chịu trách nhiệm.
“Và trách nhiệm ở đây là có thật”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cho biết, Báo cáo số 255 của Bộ Tư pháp gửi các đại biểu Quốc hội có nhiều nội dung nêu hạn chế, bất cập của một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của tình trạng trên là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận đúng là thời gian qua có vi phạm như thông đồng dìm giá, quân xanh quân đỏ; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế; đây là một thực tế.
Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH) |
Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện tổng số 143 cuộc thanh tra, kiểm tra đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá theo hướng siết chặt hơn về quy trình, cách thức, quy chế để hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, làm thất thoát ngân sách nhà nước; liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá, cập nhật những thuật ngữ…
Đồng thời, có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù, và phát triển đấu giá trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đấu giá trực tuyến là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch.
Về tài sản tư, một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới. Cơ quan quản lý đang nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó.
Dẫn bài học từ Hàn Quốc, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá.