Chủ tịch Quốc hội: EU duy trì thẻ vàng quá lâu với Việt Nam không mang lại bất cứ lợi ích nào cho hai bên

Cập nhật: 24/02/2023 11:12

Tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại (AFET) của Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dù có thẻ vàng hay không thì Quốc hội,Chính phủ và ngư dân Việt Nam đều ngày đêm nỗ lực bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phấn đấu tối đa tuân thủ IUU. “EU duy trì thẻ vàng quá lâu đối với Việt Nam và điều này không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cả hai bên”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu (EP) David McAllister

Chiều 23/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại (AFET) của Nghị viện châu Âu (EP) David McAllister cùng Đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu đang có chuyến công tác tại Việt Nam.

Cùng dự cuộc tiếp có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cùng các cán bộ Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao.

Thúc đẩy triển khai sáng kiến thành lập Hội đồng nghị viện EU-ASEAN

Phát biểu tại cuộc tiếp, hoan nghênh chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu David McAllister cùng Đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu đến Việt Nam, bày tỏ vui mừng tiếp Đoàn tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy tăng cường quan hệ với EU nói chung và từng nước thành viên EU nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, điều này thể hiện rõ nét trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của mình đã chọn điểm đến là châu Âu. Mới đây, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã có chuyến thăm làm việc tại châu Âu. Chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu cùng Đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu lần này là chuyến thăm đầu tiên cấp Chủ tịch Ủy ban trong khuôn khổ Nghị viên châu Âu (EP) đến Việt Nam sau thành công của Hội nghị ASEAN – EU năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao và vui mừng khi quan hệ giữa EU và Việt Nam thời gian qua phát triển tích cực trên tất cả các trụ cột từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đến kinh tế, thương mại, đầu tư, nông lâm ngư nghiệp và hợp tác phát triển, cùng nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, Việt Nam và Quốc hội Việt Nam ủng hộ việc tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU; khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp và đóng vai trò tích cực trong tiến trình này, thúc đẩy triển khai sáng kiến thành lập Hội đồng nghị viện EU-ASEAN, nền tảng thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do của hai bên.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả làm việc của Đoàn tại Việt Nam lần này trong đó có buổi trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà, cũng như các lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sẵn sàng lắng và trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhất là các biện pháp tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP), giữa EU với Việt Nam và đối tác ASEAN.

Cảm ơn trước sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã dành cho Đoàn, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu David McAllister cảm ơn và bày tỏ đồng tình với những nhận định tốt đẹp của Chủ tịch Quốc hội trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP).

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu David McAllister cho biết, mỗi chuyến công du của các nghị sĩ của EP đều được lựa chọn cân nhắc một cách kĩ lưỡng. Trong chuyến công tác của Đoàn lần này đến Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ EU – ASEAN và quan hệ nghị viện hai bên. Đặc biệt đối với Việt Nam là đối tác đáng tin cậy và có nhiều tiềm năng hợp tác.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu David McAllister cũng bày tỏ nhất trí với việc đẩy nhanh thực hiện sáng kiến thành lập Hội đồng Nghị viện EU-ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa EP với nghị viện các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các Chủ tịch các nghị viện thành viên. Do đó, EP đã thiết lập văn phòng liên lạc của mình tại Indonesia nhằm thúc đẩy quá trình này. Trong nỗ lực đẩy nhanh thực hiện sáng kiến thành lập Hội đồng Nghị viện EU-ASEAN của các bên, EP đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu David McAllister nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội: EU duy trì thẻ vàng quá lâu với Việt Nam không mang lại bất cứ lợi ích nào cho hai bên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Dù có thẻ vàng hay không thì Quốc hội,Chính phủ và ngư dân Việt Nam đều ngày đêm nỗ lực bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phấn đấu tối đa tuân thủ IUU

Về quan hệ song phương, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu khẳng định quan hệ song phương giữa EU và ASEAN không ngừng được nâng lên tầm cao mới thông qua các hiệp định đã kí kết. Thời gian qua, EU đã có hiệp định thương mại tự do với với Việt Nam và mong muốn có thêm nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới với các nước thành viên ASEAN. Mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy tích cực quan hệ hợp tác thương mại kinh tế, phát huy các tác động tích cực của việc triển khai thực thi các hiệp định; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, môi trường, quốc phòng – an ninh; chia sẻ sự quan tâm và mong muốn hỗ trợ Việt Nam trên con đường phát triển.

Đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với Việt Nam

Thống nhất rằng, dư địa hợp tác phát triển của hai bên và tiềm năng từ các hiệp định là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, Việt Nam đã và đang và sẽ tiếp tục cam kết thực hiện nghiêm túc các nội dung thỏa thuận trong các hiệp định trong đó có EVFTA cũng như các nội dung về phát triển bền vững, bảo vệ các quyền con người một cách chủ động, tích cực. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trên cơ sở là đối tác quan trọng tin cậy của nhau, không có gì là không thể để cùng nhau trao đổi về những vấn đề song phương và đa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên hoàn thành các mục tiêu thiên nhiên kỉ và được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên đưa vào chương trình hành đồng để thể chế hóa các nội dung của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Thời gian tới, tại Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu trong khuôn khổ IPU do Việt Nam đăng cai tổ chức, đây tiếp tục là nội dung được lựa chọn để cùng nhau thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, Việt Nam cũng như cá nhân mình đều chia sẻ và hiểu những quan tâm của EU, EP và các nghị sĩ EP đối với Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mỗi quốc gia đều có những vấn đề của mình và trong quá trình phát triển của Việt Nam xác định mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, vì cuộc sống ngày càng tốt hơn cả về vật chất và tinh thần của mỗi người dân và không ai bị bỏ lại phía sau. Cho biết, năm qua dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trên 8%, khống chế lạm phát 3,75%, đời sống người dân Việt Nam ở tất cả các khu vực, không chỉ đô thị mà cả vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Chủ tịch Quốc hội mong muốn sẽ có thêm nhiều đoàn công tác của EP đến Việt Nam nhất là đến các cơ sở, địa phương của Việt Nam để thấy được sự phát triển từng ngày và hiểu được tình hình Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác hai bên, Chủ tịch Quốc hội đề xuất Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu tiếp tục ủng hộ phát triển quan hệ EU- Việt Nam, nâng cao vai trò của EP trong phát huy những lợi thế của EVFTA, tăng cường hơn nữa thương mại, duy trì các chuỗi cung ứng giữa EU – Việt Nam, EU – ASEAN; thúc đẩy trao đổi đoàn cấp Ủy ban giữa EP và Quốc hội Việt Nam. Thúc đẩy nghị viện các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong năm 2023 nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, coi đây là nền tảng góp phần triển khai sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” của châu Âu tại khu vực.

Thông qua Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi các đề xuất đối với EU. Trong đó, đề nghị EU tiếp tục thể hiện vai trò tích cực góp tiếng nói và hành động cụ thể nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải hàng không trong khu vực.

Khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẽ góp phần thúc đẩy để EU ngày càng có vai trò lớn hơn trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, thúc đẩy tăng cường hợp tác EU-ASEAN và các nước thành viên trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mê Kông.

Mong EU tiếp tục hỗ trợ vốn công nghệ khung khổ pháp luật, nguồn nhân lực trong công cuộc phát triển xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng công bằng; hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tuyên bố chính trị về thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công nghệ JETP giữa Việt Nam và các nước G7 cũng như các cam kết của Việt Nam tại COP26

Đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU, khuyến khịch hợp tác giữa doanh nghiệp EU – Việt Nam trong lĩnh vực hiện đại hóa nghề cá, cả về quy trình kĩ thuật khai thác đánh bắt, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học, chế biến, bảo quản, logistic, chuỗi bán lẻ và xây dựng chuỗi giá trị khép kín giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực thủy hải sản – coi đây là mô hình điển hình tại khu vực. Khẳng định, dù có thẻ vàng hay không thì Quốc hội,Chính phủ và ngư dân Việt Nam đều ngày đêm nỗ lực bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phấn đấu tối đa tuân thủ IUU. “EU duy trì thẻ vàng quá lâu đối với Việt Nam và điều này không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cả hai bên”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhất trí với các đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu cho rằng đây đều là các nội dung cụ thể và quan trọng, mong muốn hai bên tiếp tục có các buổi làm việc chuyên sâu về từng nội dung để cùng nhau trao đổi.

theo Ngọc Mai – Báo Công lý

Tin liên quan