Đến 10 giờ sáng 10/9, 11 đoàn cán bộ và nhân viên y tế của các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và đồng bằng sông Hồng với tổng số hơn 4.100 người đã có mặt tại Hà Nội. Dù thời gian chuẩn bị gấp gáp, song các cán bộ, nhân viên y tế các địa phương đều chủ động sắp xếp công việc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với Thủ đô, tinh thần quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cả nước vì Hà Nội
Có mặt sớm nhất là đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang với hơn 800 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có rất nhiều người vừa đi chống dịch từ miền nam ra. Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn công tác Bắc Giang, Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, nhận được thông tin Hà Nội cần hỗ trợ, ngành y tế Bắc Giang đã cử những bác sĩ, nhân viên y tế thành thạo chuyên môn về phối hợp chính quyền quận Long Biên thực hiện xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Chuyến công tác này thể hiện sự tri ân của Bắc Giang với sự hỗ trợ của TP Hà Nội trong thời gian Bắc Giang bùng phát dịch.
Có mặt tại quận Long Biên (Hà Nội) vào chiều 8/9, chỉ nghỉ ngơi ít phút, đoàn y tế tỉnh Bắc Giang đã xuống lấy mẫu xét nghiệm ngay cho người dân. Đoàn chia thành hai mũi, gồm 104 tổ lấy mẫu xét nghiệm và 47 điểm tiêm tại tất cả các phường. Có nhiều kinh nghiệm chống dịch, các nhân viên y tế vào cuộc rất nhanh, chuyên nghiệp. Ông Phạm Văn Sơn ở ngõ 40 phố Giang Biên chia sẻ: “Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và tiêm vắc-xin giúp người dân yên tâm hơn rất nhiều. Hy vọng thành phố trở lại nhịp sống bình thường mới”. Chủ tịch UBND quận Long Biên, Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận phối hợp lực lượng y tế tỉnh Bắc Giang tăng cường tối đa các điểm lấy mẫu, tiêm chủng, thực hiện cả vào buổi tối để bảo đảm tiến độ đến trước ngày 15/9, toàn bộ 90.000 hộ với 337.859 người dân của quận sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời hoàn thành tiêm mũi 1 vắc-xin cho toàn bộ 240.000 người từ 18 tuổi trở lên”.
Sáng 9/9, 500 cán bộ y tế của tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại quận Đống Đa và huyện Thanh Trì (Hà Nội). Bác sĩ Trần Quang Tuấn, Trưởng đoàn công tác cho biết, các thành viên trong đoàn xác định lên đường với tinh thần cao nhất để giúp Hà Nội chiến thắng dịch trong thời gian sớm nhất. Sáng 10/9, tại 22 điểm tiêm và xét nghiệm của quận Đống Đa, cùng với các lực lượng y tế quận, có sự hỗ trợ của 300 bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Phú Thọ. Làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (phường Cát Linh) – điểm tiêm “2 trong 1” (người dân xét nghiệm nhanh chờ kết quả, nếu âm tính thì vào tiêm), chị Nguyễn Thị Thu Hiền (đoàn công tác tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Mặc dù biết quận Đống Đa là “vùng đỏ”, nguy cơ lây nhiễm dịch lớn, song chúng tôi đã nắm vững phương pháp phòng, chống lây nhiễm với trang bị bảo hộ cá nhân, cho nên rất tự tin để làm việc. Chúng tôi quyết tâm bao giờ hoàn thành nhiệm vụ mới về”. Lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho biết, đến ngày 9/9, quận nhận được gần 86.000 liều vắc-xin và đến đầu sáng 10/9 đã tiêm được 30% số vắc-xin được phân bổ.
Từ sáng 10/9, đoàn công tác gồm 200 cán bộ, sinh viên Trường đại học Y Dược Hải Phòng và Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng đã thực hiện nhiệm vụ tại hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai. “Chúng tôi sẽ phát huy tối đa năng lực chuyên môn cùng các đồng nghiệp tại Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ, bác sĩ, sinh viên Hải Phòng hành động vì lợi ích và sức khỏe của cộng đồng” TS Phạm Thị Thu Trang, giảng viên chính Khoa Kỹ thuật y học Trường đại học Y Dược Hải Phòng cho biết.
Chưa đầy 12 giờ đồng hồ khi nhận được thông báo của thành phố, các trường đã đăng ký đủ danh sách cán bộ, bác sĩ, sinh viên tham gia đoàn công tác. Em Phạm Thị Khánh Linh, sinh viên năm thứ ba Khoa Điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng chia sẻ, xác định chuyến công tác sẽ vất vả và nguy hiểm, nhưng với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, em tình nguyện tham gia. Đây cũng là đợt trải nghiệm để các em mang những kiến thức, kỹ năng đã học áp dụng vào thực tế, chăm lo cho sức khỏe cộng đồng. Để phối hợp đoàn công tác của TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng tình nguyện tham gia công tác chuẩn bị và phân công lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm và các điểm tiêm chủng.
Trước sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các địa phương bạn, Chủ tịch UBND thành phố, Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố cảm ơn và ghi nhận tinh thần “Cả nước vì Hà Nội”, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của 11 địa phương Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng đã cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm với Thủ đô để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Dồn tổng lực cho hai mũi giáp công
Cùng với sự hỗ trợ về nhân lực của các địa phương, TP Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống y tế trung ương, y tế tư nhân, tận dụng thời gian “vàng” giãn cách để xét nghiệm cho người dân toàn thành phố và tiêm phòng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên cơ sở số vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ.
Quận Thanh Xuân hiện là “vùng đỏ” có số lượng ca mắc Covid-19 nhiều nhất. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa cho biết, quận huy động mọi lực lượng tham gia xét nghiệm toàn bộ người dân theo nguyên tắc, tại khu vực nguy cơ rất cao thì lấy mẫu từ hai đến ba ngày/lần. Khu vực có nguy cơ cao thì lấy mẫu xét nghiệm từ năm đến bảy ngày/lần. Đến hết ngày 9/9, quận đã lấy được 94 nghìn mẫu xét nghiệm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lấy hơn 294.000 mẫu trước ngày 15/9. Cùng với đó, từ ngày 7/9, toàn bộ 11 phường của quận đồng loạt tiêm vắc-xin cho người dân. Tính đến hết ngày 9/9, quận đã tiêm 112.716 mũi tiêm (số người tiêm mũi 2 là 5.636 người). Anh Lê Việt Phương ở 486 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung chia sẻ: “Tôi sống trong khu vực có nhiều ca nhiễm Covid-19, cho nên rất lo lắng. Được tiêm vắc-xin tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Các cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ tại điểm tiêm chủng đã tổ chức, hướng dẫn người dân rất cụ thể, tận tình, nhanh chóng, bảo đảm nguyên tắc 5K”.
Các quận, huyện, thị xã khác cũng dồn tổng lực để tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân, kể cả người nước ngoài, người tạm trú trên địa bàn. Tại điểm tiêm Trường THCS Đoàn Kết (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) trưa 9/9, bà Nguyễn Thị Nga vừa được tiêm vắc-xin mũi 1 phấn khởi chia sẻ: “Tôi là người ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, bán hàng tại chợ Nguyễn Công Trứ và đã thuê trọ tại phường gần 20 năm nay. Được địa phương nơi tạm trú quan tâm cho tiêm vắc-xin, tôi rất vui, cảm thấy yên tâm hơn”. Hai ngày qua, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô trở thành điểm tiêm chủng vắc-xin cho người dân các phường của quận Hoàn Kiếm. Trong số những người được tiêm ở đây có hai công dân Mỹ đã sinh sống lâu năm ở Việt Nam. Ông Hohn Reilly (ở ngõ Hà Hồi, phường Trần Hưng Đạo) chia sẻ: “Tôi sống ở Việt Nam 21 năm rồi. Trong dịch Covid-19, tôi thấy Việt Nam, Hà Nội vẫn rất an toàn. Việc phòng, chống dịch, nhất là tiêm vắc-xin tại Hà Nội rất tốt. Tôi đăng ký tiêm từ khoảng tháng trước, nhưng do tuổi đã cao nên được khuyến cáo chờ tới đợt này. Tôi chỉ mới vừa nhận thông tin tối 9/9 và được đi tiêm ngay”.
Tốc độ tiêm của thành phố trong hai ngày qua đã được đẩy lên rất cao, ngày 8/9 thành phố tiêm được hơn 300 nghìn liều; ngày 9/9 đạt gần 330 nghìn liều. CDC Hà Nội cho biết, đến 12 giờ ngày 10/9, toàn thành phố tiêm được: 3.315.855 liều (2.959.321 mũi 1 và 355.689 mũi 2) cho 2.959.321 người, đạt tỷ lệ 35,7% dân số. Ngoài ra, các bệnh viện trung ương tiêm 715.500 liều cho 601.364 người, nâng tổng số người ở Hà Nội được tiêm vắc-xin đạt 42,9% số dân.
Trực tiếp kiểm tra công tác xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một số quận ở Hà Nội sáng 10/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, chủ trương “thần tốc” xét nghiệm và tiêm vắc-xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội là hoạt động rất quan trọng để tạo ra miễn dịch, bảo vệ người dân. Với cách làm này, Bộ Y tế hy vọng dịch trên địa bàn Thủ đô sẽ sớm bị đẩy lùi, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.