Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 2096/KL-UBND kết luận thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và thực hiện các dự án (DA) QLBVR kết hợp sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Hà.
Điểm danh loạt sai phạm
Bên cạnh những mặt làm được, hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra như: Công tác QLBVR của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Lâm Hà thời gian qua hiệu quả chưa cao. Chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý. Việc xử lý vi phạm chưa kịp thời. Tỷ lệ vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn cao. Tỷ lệ thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ đạt 30%…
43 hộ/22 hợp đồng nhận khoán không đúng đối tượng. Các đối tượng nhận khoán chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo các nghị định của Chính phủ. Việc thực hiện trình tự, thủ tục giao khoán chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau khi UBND huyện Lâm Hà có Văn bản số 837/UBND ngày 21/10/2013 về việc tạm ngưng giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, BQL Rừng phòng hộ (RPH) Nam Ban (trước đây) vẫn tiếp tục ký kết hợp đồng giao khoán đối với 6 hợp đồng/55ha đất cho các cá nhân (là viên chức của đơn vị) để trồng rừng là không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Lâm Hà.
2 đơn xin nhận khoán đất lâm nghiệp giả mạo chữ ký của lãnh đạo UBND xã và con dấu của UBND xã Phúc Thọ để nhận khoán.
BQL RPH Lán Tranh và BQL RPH Nam Ban (trước đây) đồng ý cho chuyển nhượng thành quả đầu tư đối với 17 hợp đồng giao khoán trồng rừng/819,27ha. Các trường hợp này không thực hiện đúng phương án được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết, để đất bị lấn chiếm, không trồng rừng theo hợp đồng đã ký kết nhưng khi thanh lý và cho phép chuyển nhượng, các BQL rừng không xử lý đối với diện tích để bị lấn chiếm, không thực hiện đúng hợp đồng mà cho phép chuyển nhượng sang 18 hợp đồng/397,14ha, mặc dù UBND huyện Lâm Hà có chỉ đạo xử lý nhưng các đơn vị vẫn không thực hiện.
Về tạm giao đất lâm nghiệp, BQL RPH Lán Tranh (trước đây) đã lập hồ sơ tạm giao, cam kết trồng rừng, cho phép 69 hộ gia đình, cá nhân (trong đó có người nhà hoặc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo BQL RPH Lán Tranh) phát dọn thực bì 504,1ha để trồng rừng không đúng quy định. Hiện nay hầu hết diện tích đất này để các hộ dân trồng cà phê và chủ rừng không quản lý được.
Về trồng rừng, diện tích theo thiết kế trồng rừng tại BQL RPH Nam Ban giảm so với diện tích trồng và chăm sóc năm 1 (giảm 75,53ha), nhưng BQL RPH Nam Ban không có hồ sơ chứng minh. BQL RPH Lán Tranh lập hồ sơ trồng 138,23ha rừng (trồng rừng sau giải tỏa năm 1 là 116,4ha và trồng rừng thay thế là 21,83ha), nhưng đơn vị không thực hiện đúng trình tự, thủ tục nghiệm thu, thanh/quyết toán, dẫn đến diện tích thiết kế không trùng khớp với diện tích nghiệm thu, thanh/quyết toán, để mất rừng nhưng không có hồ sơ chứng minh.
Việc thực hiện DA có liên quan đến công tác QLBVR của các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước, 3/8 DN, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi một phần diện tích đất thực hiện DA nhưng các DN chưa lập thủ tục điều chỉnh DA đầu tư, phương án sử dụng đất DA được phê duyệt; 2 DA chậm triển khai, đã hết tiến độ đầu tư từ 6 tháng đến 30 tháng theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp; Công ty Cổ phần Địa ốc Việt R.E.M.A.X xây dựng một số hạng mục công trình không có giấy phép, xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được thỏa thuận. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khải Tâm được BQL DA phát triển lâm nghiệp Lâm Đồng hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc 15,81ha rừng trồng, thực tế diện tích này chưa được thực hiện trồng rừng nhưng đã thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán kinh phí hỗ trợ.
Về QLBVR, quản lý, sử dụng đất cho thuê: qua kiểm tra, 8/8 DN không có phương án QLBVR; 1 DN không xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm; 4/8 DA có vi phạm về QLBVR, quản lý, sử dụng đất/111,52ha (gồm: để xảy ra phá rừng tại 2 DA/99,96ha; để bị lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp tại 4 DA/40,88ha); 2 DN sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê, phương án sử dụng đất được duyệt với 212,18ha.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, 4 DN chưa có quyết định miễn tiền thuê đất; 1 DN đã có văn bản của cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng đối với 37,2ha rừng bị phá với số tiền 905,81 triệu đồng nhưng DN chưa chấp hành nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai được thuê 3.245,39ha đất trên địa bàn huyện Lâm Hà, Đức Trọng nhưng để rừng bị phá và lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Công ty Tân Mai mới phát hiện, lập hồ sơ 268 vụ vi phạm; diện tích còn lại (58,68ha rừng trồng bị phá; 16,69ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm) nhưng DN không phát hiện, không lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định…
Kiểm điểm trách nhiệm 2 giám đốc sở
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp; theo dõi, kiểm tra 4 DN thực hiện việc giải tỏa đối với diện tích đất bị lấn chiếm tại DA. Trường hợp các DN không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định của pháp luật (DN phải chịu trách nhiệm chi trả kinh phí giải tỏa, thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm).
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn kiểm tra các trường hợp đã thanh lý hợp đồng giao khoán để xử lý hoặc tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm; xác định cụ thể từng vị trí rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng chưa lập hồ sơ vi phạm và 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp đã lập biên bản vi phạm để xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, yêu cầu BQL RPH Lâm Hà trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong mùa mưa năm 2020; rà soát để có biện pháp xử lý dứt điểm đối với số tiền 721,8 triệu đồng xử lý vi phạm hành chính mà các đối tượng chưa nộp phạt; tăng cường kiểm tra QLBVR, quản lý, sử dụng đất đối với BQL rừng, các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê, giao khoán đất lâm nghiệp, rừng.
BQL RPH Lâm Hà khẩn trương rà soát lại toàn bộ hợp đồng đã được đơn vị cho phép chuyển nhượng nhưng chưa xử lý vi phạm đối với diện tích không thực hiện đúng hợp đồng, phương án đã ký kết, báo cáo UBND huyện xem xét xử lý theo quy định…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo và công chức Chi cục Kiểm lâm (qua các thời kỳ); đề ra biện pháp cụ thể nhằm khắc phục các tồn tại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao, cho Công ty Tân Mai thuê để trồng rừng nguyên liệu giấy (trước đây) và chuyển sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn (hiện nay) trên phạm vi toàn tỉnh; xác định rõ mức độ, tính chất vi phạm; báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo nhiều nhiệm vụ cụ thể đối với Giám đốc Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh. Yêu cầu các tổ chức, DN ngoài Nhà nước khẩn trương tổ chức giải tỏa và đưa vào quản lý, sử dụng, tiến hành trồng rừng theo đúng mục đích đầu tư DA đối với diện tích đất bị lấn chiếm tại DA của 4 DN (Công ty Tân Mai, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khải Tâm, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái; Công ty Cổ phần Địa ốc Việt R.E.M.A.X). Nộp số tiền bồi thường tài nguyên rừng, tiền thuê đất còn thiếu theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Sở Nội vụ được giao tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, tập thể, cá nhân liên quan qua các thời kỳ (lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lâm Hà) do thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm/sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chủ rừng, DA đầu tư; sai phạm trong giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định số 01-CP, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an tỉnh liên hệ Thanh tra tỉnh để tiếp nhận toàn bộ hồ sơ sai phạm tại BQL RPH Lâm Hà, tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Công tác quản lý đất tại các khu vực nhà trạm QLBVR thuộc phạm vi quản lý của BQL RPH Lán Tranh (trước đây) bị buông lỏng, để cho nhân viên của đơn vị chiếm, sử dụng làm nhà, trồng cà phê và một số cây trồng khác nhưng BQL rừng không tiến hành xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. |
theo Bảo Thạch – thanhtra.com.vn