Nếu có dấu hiệu vi phạm về hình sự, huyện sẽ chuyển Cơ quan Công an điều tra theo quy định – đó là khẳng định của lãnh đạo huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) khi nói về vụ việc công dân xã Quảng Hợp tố cáo nhiều sai phạm đối với nguyên Chủ tịch UBND xã Đỗ Ngọc Toàn, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trạch.
Cố tình làm trái quy định ăn tiền đền bù của dân
Báo Thanh tra có loạt bài báo “Ai phải trả gần 1 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân ở Thanh Hóa” và bài “Chủ tịch xã làm văn bản “biếu không” doanh nghiệp 77.222m2 đất?”, phản ánh ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp đã giao đất trái thẩm quyền cho cho 3 hộ dân trên địa bàn, vi phạm quy định tại Điều 15 Khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai năm 2003.
Từ năm 2010 đến 2013, ông Toàn và UBND xã Quảng Hợp đã không công khai thực hiện chi trả tiền bồi thường theo các quyết định phê duyệt dự toán bồi thường GPMB của cơ quan chức năng cho các hộ dân có đất bị thu hồi ở các mặt bằng bán đất ở trên địa bàn, mà tự ý thỏa thuận với các hộ dân để chi trả tiền bồi thường GPMB thấp hơn so với dự toán được duyệt với tổng số tiền 994.782.500 đồng. Số tiền gần 1 tỷ đồng này lâu nay đã bị “ỉm” đi, nay mới “lòi” ra, nếu người dân không “vác” đơn đi kiện nhiều năm nay.
Chưa hết, năm 2012, khi Công ty TNHH 888 về xã Quảng Hợp đầu tư dự án nhà máy may, ông Toàn đã tự ý mang 77.222 m2 đất, trong đó có 60.678m2 đất công ích của xã và 16.544m2 đất nông nghiệp của 19 hộ dân “biếu không” cho công ty (không phải bỏ tiền đền bù GPMB), gây bất bình trong địa phương.
Công ty TNHH 888, nơi công dân tố cáo có nhiều sai phạm về đất đai. Ảnh: VT |
Ngoài ra, đối với diện tích 16.544m2 đất nông nghiệp của 19 hộ dân đã được cho Công ty TNHH 888 thuê, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, ông Toàn và UBND xã Quảng Hợp lại tự ý đứng ra thỏa thuận với Công ty TNHH 888 và các hộ dân về mức bồi thường, trái với Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003; Khoản 2 Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP về việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án đầu tư.
Đáng nói, khi nhận tiền bồi thường từ Công ty TNHH 888, UBND xã Quảng Hợp đã không chi trả hết cho người dân mà giữ lại số tiền 247.798.000 đồng rồi để ngoài sổ sách, chi tiêu. Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Toàn cho biết, số tiền này đã mua xe ô tô (nhãn hiệu Vinaxuki) và xây dựng hòn non bộ để phục vụ xã.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, đây chỉ là lời ông Toàn nói chứ thực tế tiền này chi tiêu vào đâu, làm gì hay vào túi ai thì cần phải có sổ sách, chứng từ rõ ràng. Việc này, ngoài dấu hiệu cố tình làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, còn có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tiền đền bù của người dân cần được làm rõ, xử lý nghiêm minh.
Có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển Cơ quan Công an
Cũng theo người dân xã Quảng Hợp, vô lý ở chỗ, năm 2012, ngân sách xã Quảng Hợp lúc này đang “eo hẹp”, rất cần tiền để xây dựng nông thôn mới, thế mà Chủ tịch UBND xã lại mang cả 77.222m2 đất, tương đương với số tiền lớn để hỗ trợ cho một doanh nghiệp mà không có tư lợi cá nhân gì thì là một dấu hỏi lớn cần được Cơ quan Công an vào cuộc xác minh, làm rõ.
Sau khi được thuê đất trên, do muốn mở rộng dự án, Công ty TNHH 888 đã phải thương lượng dưới hình thức mua tài sản trên phần đất của hộ bà Đào Thị Như Hè (giáp ranh khu đất ông Toàn “biếu không”) số tiền lên tới 3 tỷ đồng… Chỉ cần so sánh vụ việc nhỏ này, cũng thấy được việc làm của ông Toàn đã gây thất thoát cho Nhà nước lớn như thế nào.
Văn bản họp kết luận của Thường vụ Huyện ủy Quảng Xương chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ công dân tố cáo những sai phạm của ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp. Ảnh: VT |
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một lãnh đạo UBND huyện Quảng Xương khẳng định: Vụ việc nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xem xét họp chuyển Cơ quan Công an điều tra. Còn về số tiền gần 1 tỷ đồng tiền chi trả thiếu so với các quyết định phê duyệt dự toán bồi thường của UBND huyện Quảng Xương cho các hộ dân ở các mặt bằng quy hoạch khu dân cư nông thôn mới ở xã Quảng Hợp, trong kết luận đã yêu cầu UBND xã Quảng Hợp có phương án để chi trả cho các hộ.
Tuy nhiên, nếu ngân sách xã khó khăn thì địa phương phải có phương án báo cáo huyện để có biện pháp giải quyết. “Sau khi có kết quả kết luận kiểm tra theo nội dung đơn thư tố cáo của công dân đối với ông Toàn, địa phương đang tiếp tục kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên và có hình thức xử lý kỷ luật. Thế nhưng, bà con chưa đồng tình nên đã có đơn gửi cấp cao hơn nên lại phải chờ kết quả giải quyết thì mới làm các bước tiếp theo được”, vị cán bộ này nói.
Ông Lê Huy Kỳ, quyền Bí thư Huyện ủy Quảng Xương cho biết: Sau khi nhận được văn bản của Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư cùa công dân, Thường vụ Huyện ủy Quảng Xương đã họp, thống nhất giao UBND huyện thành lập đoàn thanh tra xem xét, giải quyết đơn thư của công dân theo quy định của Luật Tố cáo.
“Trước đó, năm 2017 khi tôi làm Phó Bí thư Huyện ủy, có thay mặt Thường vụ ký quyết định trả lời đơn thư của công dân về vụ việc này. Tuy nhiên, hồi đó những câu hỏi, nội dung tố cáo chưa được rõ ràng như bây giờ. Quan điểm của huyện là không bao che, dung túng cho bất kỳ sai phạm nào, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm” – ông Kỳ nói.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.