Nếu lực lượng chức năng nói không với tiêu cực trong xử lý, chắc chắn xe quá tải sẽ hết.
rao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, nếu lực lượng chức năng nói không với tiêu cực trong xử lý, chắc chắn xe quá tải sẽ hết. Do đó, tới đây cần ứng dụng công nghệ hiện đại, loại bỏ yếu tố can thiệp trực tiếp của lực lượng thực thi công vụ trên đường để kiểm soát bền vững xe quá tải.
“Ai cũng biết nhưng không nói ra!”
Hiện nay mức xử phạt đối với hành vi chở quá tải trong Nghị định 100 cao hơn đối với hành vi uống rượu bia lái xe. Tuy nhiên, hành vi xử phạt bổ sung là tước GPLX lại nhẹ hơn. Đây là điểm không hợp lý cần phải sửa đổi vì tước GPLX sẽ đánh vào ngay công ăn việc làm của người lái xe. Nếu cũng tước GPLX 1 – 2 năm như hành vi uống rượu bia, tài xế sẽ không dám chở quá tải dù bị chủ xe ép. Cần nghiên cứu sửa đổi để nâng lên mức xử phạt bổ sung như uống rượu bia lái xe mới đảm bảo tính răn đe”
Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN)
Hoạt động xe quá tải đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, ông đánh giá thế nào về việc này?
Sau một thời gian triển khai kiểm soát xe quá tải ở nhiều địa phương bằng trạm cân lưu động, xe quá tải đã giảm đến 90%. Tuy nhiên, gần đây tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải lưu thông có dấu hiệu tái diễn trở lại và hoạt động công khai trên một số quốc lộ, đô thị và đường địa phương.
Xe quá khổ, quá tải là nguyên nhân chính khiến cầu đường bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng. Nếu duy tu bảo dưỡng đường tốt thì 4 năm mới phải sửa chữa vừa; 10-12 năm sau mới phải sửa chữa lớn. Nhưng nếu chở quá tải, chỉ 1-2 năm hoặc 3 năm đã phải sửa chữa. Nói một cách hình ảnh, chúng ta bỏ 10 đồng vào công tác xây dựng cơ bản, nếu quản lý tốt, phải sau 10 năm ta mới phải đầu tư lại. Nhưng nếu bỏ ra 10 đồng mà quản lý không tốt xe quá tải, 3 năm sau đã mất 10 đồng rồi. Rõ ràng là thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến xe quá tải bùng phát trở lại, thưa ông?
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là nếu như lực lượng chức năng nói không với tiêu cực trong xử lý xe quá tải, chắc chắn xe quá tải sẽ hết. Tuy nhiên, đáng tiếc việc xử lý xe quá tải vẫn còn một bộ phận lực lượng chức năng có tiêu cực, không xử phạt vi phạm mà sẽ “ăn chia” với lái, chủ xe.
Xe quá tải tái diễn thời gian qua là minh chứng cho điều đó, thực tế vì sao nó tồn tại được, có lẽ ai cũng biết nhưng không ai nói ra. Trên quốc lộ, nơi có công trình, mỏ vật liệu xe quá tải tràn lan. Rõ ràng người bình thường cũng nhìn thấy xe đó là quá tải, cơi nới thành thùng, nhưng tại sao không bị xử lý?
Tôi có thể lấy ví dụ việc xử phạt người uống rượu bia lái xe, chỉ người bị phạt thiệt. Trong trường hợp có tiêu cực, chỉ lực lượng chức năng được hưởng lợi. Tuy nhiên, đối với vi phạm chở quá tải thì ngược lại, cả hai bên sẽ được lợi nếu như giữa một bộ phận lực lượng chức năng và người vi phạm có sự “bắt tay” nhau.
Nếu một chiếc xe chở đúng tải khoảng 15 tấn hàng, giá cước thấp hơn, lợi nhuận chỉ chủ xe được hưởng. Cũng chiếc xe này nếu chở quá tải lên 40 tấn, lợi nhuận lúc này sẽ được hai bên “ăn chia”. Như vậy, cả hai bên đều hưởng lợi nên xe quá tải mới có đất để tái diễn.
Như ông nói thì chỉ khi nào hết tiêu cực mới hết xe quá tải?
Đúng vậy. Câu chuyện ở đây là phải loại bỏ tiêu cực. Muốn làm được việc này, biện pháp tuyên truyền giáo dục không hiệu quả thì phải dùng biện pháp khác. Chế tài xử lý cán bộ tiêu cực tuy đã có nhưng phải có biện pháp bằng công cụ, thiết bị nghiệp vụ kỹ thuật, loại bỏ sự tham gia trực tiếp của lực lượng chức năng trên đường. Chúng ta thấy nhiều nước không có lực lượng chức năng trên đường vì họ có chế tài nặng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ hiện đại để giám sát, xử phạt.
Làm gì để kiểm soát xe quá tải bền vững?
Chúng ta đã đầu tư 63 trạm cân lưu động, nhưng sau khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa ngành GTVT và công an, nhiều ý kiến cho rằng các trạm cân này hoạt động không hiệu quả?
Giai đoạn đầu kiểm soát xe quá tải, trạm cân lưu động phục vụ tốt việc kiểm soát xe quá tải. Dù đến nay hệ thống trạm cân này vẫn còn tác dụng, nhưng sau khi kết thúc kế hoạch liên ngành, quy định đang bị chồng chéo.
Cụ thể, Nghị định 57 về tổ chức hoạt động của lực lượng Thanh tra GTVT quy định: Thanh tra ngành GTVT chỉ thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi quản lý hành chính nhà nước. Có nghĩa là hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh mà không ủy thác quản lý thì lực lượng Thanh tra Sở GTVT không được kiểm soát xe quá tải mà chỉ được kiểm soát ở quốc lộ được ủy thác và đường địa phương, đầu nguồn hàng hóa.
Trong khi đó, một số văn bản quy phạm pháp luật khác lại nêu rõ trách nhiệm của địa phương, sở GTVT trong đảm bảo ATGT trên hệ thống đường bộ địa bàn mình quản lý. Vì chồng chéo này cho nên CSGT cho rằng, lực lượng Thanh tra nếu kiểm soát xe quá tải trên đường không ủy thác là không đúng quy định. Nhiều tỉnh trạm kiểm tra lưu động không hoạt động, nhiều địa phương chỉ hoạt động trên đường địa phương. Số ít các tỉnh hoạt động trên quốc lộ không ủy thác. Trạm cân hoạt động được trên quốc lộ không ủy thác là do hai lực lượng của địa phương đó có sự phối hợp xử lý xe quá tải, không “cản” nhau. Tuy nhiên, một số địa phương, Thanh tra giao thông đặt trạm cân trên các quốc lộ không ủy thác lập tức bị lực lượng CSGT phản ứng ngay.
Vậy tới đây, chúng ta có tiếp tục duy trì hoạt động của trạm cân, thưa ông?
Trong điều kiện trạm cân cố định tự động chưa được đầu tư nhiều do vấn đề kinh phí, Bộ GTVT đang chuẩn bị thay thế Thông tư 10 về quản lý hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe. Thông tư sẽ sửa đổi theo hướng các trạm cân lưu động của thanh tra Sở GTVT có thẩm quyền kiểm tra tải trọng xe trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn quản lý bao gồm: Cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ. Như vậy, ngoài CSGT hiện nay sẽ có thêm một lực lượng nữa kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ như giai đoạn năm 2014 – 2016.
Về lâu dài theo ông, cần giải pháp gì để kiểm soát xe quá tải bền vững, tránh tình trạng tái diễn như thời gian qua?
Có hai giải pháp cơ bản. Thứ nhất là chuẩn bị thay thế Thông tư 10 để hoàn thiện hành lang pháp lý như tôi đã nói. Thứ hai là Tổng cục Đường bộ sẽ đẩy mạnh triển khai lắp hệ thống cân cố định điện tử tự động đã triển khai thí điểm trên QL5. Hệ thống cân này hoạt động tự động hóa hoàn toàn, khi xe chạy qua sẽ báo tất cả về Trung tâm của Tổng cục và được chia sẻ đến sở GTVT các địa phương để phạt nguội.
Trên cơ sở đó, lực lượng thanh tra GTVT sẽ tiến hành xử lý các phương tiện vi phạm chở quá tải do địa phương mình quản lý. Từ chỗ trạm cân có 70 người, áp dụng hệ thống cân này chỉ cần 3 – 5 người, không có ai phải đứng ngoài đường, lực lượng chức năng ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể xử phạt nguội, không ai có thể can thiệp được.
Giải pháp xử phạt nguội đối với hành vi chở quá tải không chỉ giúp phát hiện, xử lý triệt để hơn vi phạm này mà còn góp phần minh bạch hóa công tác quản lý, tránh các hiện tượng can thiệp, xin xỏ trong quá trình xử lý vi phạm, thậm chí bảo kê cho xe quá tải. Kết hợp với chế tài mạnh, đây sẽ là giải pháp chế tài mà người muốn vi phạm cũng không dám vi phạm, người muốn tiêu cực cũng không tiêu cực được.
Cảm ơn ông!
Bộ GTVT yêu cầu xử nghiêm vi phạm tải trọng xe
Bộ GTVT vừa ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe. Chỉ thị của Bộ GTVT nêu rõ, thời gian qua, xe quá tải tham gia giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng xe quá tải tham gia giao thông tại một số tuyến quốc lộ trọng điểm như: Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình; QL1A đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; QL5 đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng; các tuyến cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Quảng Ninh – Hải Phòng… gây bức xúc trong dư luận, làm mất ATGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32/2016 của Thủ tướng về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GTVT, công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp kiểm soát tải trọng xe bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được trang cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Các địa phương cần tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe ngay tại các đầu nguồn hàng như: Cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa. Phối hợp chặt với Tổng cục Đường bộ VN triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn”, Bộ GTVT yêu cầu.
Cùng đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các cục quản lý đường bộ tăng cường triển khai kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra tải trọng xe bằng hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã được trang cấp.
T.Duy/ Giao thông
link gốc: https://www.atgt.vn/con-tieu-cuc-se-con-xe-qua-tai-d456988.html