Công khai, minh bạch kết quả kiểm toán

Cập nhật: 03/06/2024 09:13

Trong chương trình nghị sự tuần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn là 1 trong 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn các đại biểu lần này về các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó có việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Hoạt động kiểm toán thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV cho thấy, các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75 – 80% cho năm liền kề năm kiểm toán. Trong đó, đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022, tính đến 31.12.2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%.

Thời gian qua, có rất nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán chỉ ra. Trong đó, việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT. Ngoài ra, có việc đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất…

Không chỉ là những con số về kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi cho ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn, thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán đã giúp Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức không còn phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, giúp hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đây là những “quả ngọt” trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Điều đó cho thấy những kết luận, kiến nghị của kiểm toán đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên thực tế.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, thời gian qua vẫn còn những kiến nghị chưa được thực hiện. Tính đến ngày 31.12.2023, số kiến nghị chưa thực hiện là 67.513,03 tỷ đồng. Việc không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của kiểm toán cho thấy có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Điều này gây nên sự lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính của Nhà nước. Một nguồn lực đáng kể đã không được huy động cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do việc thực hiện những kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa nghiêm.

Luật Kiểm toán Nhà nước đã quy định rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho Kiểm toán Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là, luật đã quy định, tại sao vẫn còn kiến nghị của kiểm toán không được thực hiện? Chế tài nào để siết lại kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán?

Theo đó, để thực hiện tốt hoạt động này, việc công khai, minh bạch kết quả kiểm toán được coi là công cụ quan trọng, tạo sức ép lớn với các đối tượng thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Cùng với đó, việc công khai, minh bạch kết quả kiểm toán cũng tạo điều kiện để người dân và xã hội giám sát trở lại hoạt động kiểm toán. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán…

Sự nỗ lực của riêng ngành kiểm toán là chưa đủ khi không có được sự phối hợp thực hiện các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện. Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tránh tình trạng, luật đã quy định, nhưng cơ quan, đơn vị cố tình không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng chẳng sao.

Mong rằng, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng cao, chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ được Tổng Kiểm toán Nhà nước trả lời trực diện, cầu thị và đưa ra những giải pháp thấu đáo cho những vấn đề còn tồn tại. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán nói chung và hiệu quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nói riêng.

theo Song Hà – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan

Yêu cầu rà soát, thanh kiểm tra cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở TP.HCM sau vụ bạo hành - Cập nhật: 05/09/2024 10:16
Khởi tố nguyên Chủ tịch Công ty CP Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang - Cập nhật: 04/09/2024 15:51
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá: Bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh - Cập nhật: 29/08/2024 08:14
Phát hiện hơn 800.000 camera giám sát bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet - Cập nhật: 28/08/2024 15:04
Phiên họp Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND - Cập nhật: 23/08/2024 15:09
Bộ TN&MT thành lập đoàn kiểm tra đột xuất 2 cuộc đấu giá đất ở Hà Nội - Cập nhật: 23/08/2024 15:02
TP. Hồ Chí Minh: Nhiều đơn vị giáo dục tại Quận 12 thu, chi chưa đúng quy định pháp luật - Cập nhật: 23/08/2024 06:01
Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát - Cập nhật: 22/08/2024 13:54
Thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeID - Cập nhật: 22/08/2024 08:04
Thu ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng liên quan vi phạm thương mại - Cập nhật: 22/08/2024 06:24