Quang cảnh Phiên họp. |
Tại phiên họp, Hội đồng đã đánh giá công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) năm 2022, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và phân tích, làm rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và đề ra các giải pháp có tính khả thi nhằm đổi mới hơn nữa công tác TĐKT…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong năm 2022 vừa qua, trước bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế – xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong những thành công đó, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác TĐKT, nhất là các phong trào thi đua sôi nổi, thực chất, hiệu quả và có sức lan tỏa cao trên cả nước. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, sáng tạo, hiệu quả các phong trào thi đua, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần thi đua phấn đấu vượt qua khó khăn của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước; góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thúc đẩy và mở rộng đối ngoại, hội nhập.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt việc xây dựng dự án Luật TĐKT, trình Quốc hội thông qua theo tinh thần đổi mới cơ bản, toàn diện công tác TĐKT đáp ứng yêu cầu đổi mới trong tình hình hiện nay. Công tác tôn vinh điển hình tiên tiến, công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được thực hiện kịp thời, trong đó đã khen thưởng phòng, chống dịch cho hơn 1.800 trường hợp…
Đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, Thủ tướng yêu cầu, phải nắm chắc, bám sát tình hình, kịp thời phát động, triển khai các phong trào thi đua theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.
TĐKT phải xuất phát từ nhân dân. Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về TĐKT tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về thi đua khen thưởng
Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành, các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua ngay từ đầu năm. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” gắn với thi đua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp…
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về TĐKT. Đôn đốc, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, quy chế, quy định để tổ chức thực hiện đồng bộ, phù hợp với Luật TĐKT mới ban hành.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TĐKT…
Bên cạnh việc đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng TĐKT các cấp và công tác TĐKT trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, dân chủ, chính xác, khách quan, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa cao hơn, để tạo động lực phấn đấu cho các cá nhân, tập thể xứng đáng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về các tập thể được đề nghị phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến khách quan, trung thực, đánh giá đúng thành tích; trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ thực hiện các thủ tục liên quan với tinh thần dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, đúng quy trình, quy định…
Thủ tướng nêu rõ, tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần lớn lao cho cộng đồng, xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao và đột xuất, có những hành động cao đẹp, được xã hội tôn vinh, trân trọng, ngưỡng mộ; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp…