Cụ thể chế tài xử lý khi không thực hiện kiến nghị giám sát

Cập nhật: 25/09/2023 09:44

Để thực hiện hiệu quả hơn Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị về giám sát. Đồng thời, quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị về giám sát…

Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ảnh: H. Phong

Nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, sau 7 năm thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh có nhiều đổi mới về nội dung cũng như hình thức; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng cao. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, khắc phục tồn tại trong công tác quản lý nhà nước, từ đó thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Từ đầu Khóa XIV đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời tổ chức các hoạt động giám sát tại địa phương theo kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Đoàn. Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đặc biệt, qua giám sát, Đoàn kịp thời kiến nghị khắc phục và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: việc lựa chọn một số nội dung giám sát chưa trọng tâm, trọng điểm; tổ chức giám sát còn chồng chéo; thời gian, điều kiện tham gia giám sát của các đại biểu kiêm nhiệm còn khó khăn, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao… Một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến vấn đề giám sát; chưa đề ra được biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp đối với tổ chức, cá nhân trong thực hiện kiến nghị giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc chưa thực sự quyết liệt nên còn có những nội dung chậm được giải quyết…

Những tồn tại trên có nguyên nhân do số ĐBQH tại địa phương chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động dân cử. Sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực, các ban HĐND, MTTQ Việt Nam tỉnh chưa nhịp nhàng, dẫn đến một số nội dung giám sát trùng lặp, chồng chéo. Luật chưa quy định các chế tài xử lý đối tượng bị giám sát không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị hợp pháp của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH.

Thực hiện nghiêm các kết luận giám sát

Từ thực tế trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị cần có cơ chế tài chính, chế độ, chính sách phù hợp trong việc thuê, hợp đồng, khoán việc đối với chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực nhằm phục vụ hoạt động của các đại biểu; có văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế và quy định về thẩm quyền, chi phí cho chuyên gia.

Từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức giám sát 13 chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức giám sát, khảo sát 6 chuyên đề… Bên cạnh đó, việc giải quyết KNTC, kiến nghị của công dân cũng được Đoàn quan tâm, thực hiện nghiêm túc (giám sát 7 vụ việc cụ thể); công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch…

Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị về giám sát; đồng thời, quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị về giám sát…

Điểm d, Khoản 2, Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định nhiệm vụ, quyền hạn đối với Đoàn ĐBQH giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương: “Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.”. Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định rõ về cơ chế và thủ tục yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm tại điểm này.

Khoản 1, Điều 33 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định “Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH thì Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH có quyền kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị quy định cụ thể cơ chế và thủ tục kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại khoản này.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị quy định cụ thể chế tài xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo được đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH chuyển nhưng quá thời hạn quy định của pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết không trả lời, không xem xét, giải quyết. Quy định cụ thể chế tài xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo để xử lý các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối, vu khống, làm mất trật tự an toàn, xã hội.

theo Diệp Anh – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan