Đẩy nhanh giải ngân vốn, sắp xếp ổn định dân cư nơi cần thiết

Cập nhật: 26/02/2024 15:58

Giám sát chuyên đề việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn hỗ trợ quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư nơi cần thiết; tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để đáp ứng yêu cầu tiêu chí giai đoạn mới…

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận làm việc với UBND huyện Bác Ái về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Ảnh: Kha Hân

Không còn quỹ đất

Làm việc với UBND huyện Bác Ái về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận đề nghị huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình năm 2023 và những năm tiếp theo. Tiếp tục rà soát các quỹ đất sạch, quỹ đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng do các xã quản lý để xây dựng phương án hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên giao đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo chưa có đất ở, đất sản xuất, thiếu đất sản xuất nhằm giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Quan tâm giải quyết đất ở cho các đối tượng hộ dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giúp bà con có điều kiện để an cư lạc nghiệp.

Từ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan và địa phương, sau 1 năm thực hiện việc “giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” theo Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cơ bản đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm kịp thời, đúng quy định; việc giao kế hoạch vốn, phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình) theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Tuy nhiên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy nhiều quy định, hướng dẫn mới của các dự án trong Chương trình khó thực hiện, trong khi văn bản hướng dẫn của Trung ương đối với một số nội dung chưa kịp thời. Vì vậy, quá trình thực hiện tại địa phương còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện. Một số dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện do thiếu các hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương. Công tác rà soát đối tượng nhận hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán của cấp xã, thôn còn chậm. Các địa phương không còn quỹ đất để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thấp. Nhất là mức hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép (với mức 60 triệu đồng/hộ) khó khăn trong việc tạo quỹ đất, đối với mức hỗ trợ nêu trên không đủ kinh phí để tạo diện tích đất cấp cho 1 hộ có nhu cầu ổn định dân cư theo hình thức xen ghép và giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn sự nghiệp của Chương trình.

Tập trung hoàn thành công tác quy hoạch

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các thành phần dự án thuộc Chương trình, Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét tăng định mức hỗ trợ trực tiếp đối với chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và hỗ trợ địa bàn trong việc ổn định dân cư theo hình thức xen ghép. Đồng thời, mở rộng đối tượng thụ hưởng là hộ cận nghèo vì khoảng cách thu nhập, mức sống giữa hộ nghèo và cận nghèo chênh lệch nhau không nhiều, giúp địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững. Đối với kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc Chương trình, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhà.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn hỗ trợ quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư nơi cần thiết, trên cơ sở đã có văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường chủ động trong thực hiện Chương trình; tập trung rà soát, ban hành các văn bản điều hành, thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình; kịp thời phát hiện vướng mắc để giải quyết dứt điểm; báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét hướng dẫn, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình, nhất là các nội dung có sử dụng kinh phí sự nghiệp. Trong đó, tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, gồm quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để đáp ứng yêu cầu tiêu chí giai đoạn mới, làm cơ sở triển khai thực hiện các nội dung khác của Chương trình.

theo TRẦN THU – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan