Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đại biểu Bộ, ngành, Đại sứ các nước, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Lam Hạnh) |
Không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng
Ngày 27/5/2014 đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng với lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam khi Trung tâm GGHB Việt Nam, tiền thân của Cục GGHB Việt Nam hiện nay, chính thức ra mắt.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lực lượng GGHB LHQ Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do đây là lực lượng mới, hoạt động trong lĩnh vực hoàn toàn mới. Khó khăn trước tiên là vấn đề ngôn ngữ. Trước khi được triển khai tới địa bàn, lực lượng triển khai phải có trình độ về ngoại ngữ đạt tối thiểu 5.5 IELTS theo yêu cầu của LHQ.
Thứ hai là vấn đề bảo đảm sức khỏe khi làm việc tại môi trường đa quốc gia, địa bàn khác lạ, có những khó khăn về điều kiện sống, an ninh, dịch bệnh. Thứ ba là trình độ cán bộ còn chưa đồng đều. Một khó khăn nữa phần nào ảnh hưởng tâm lý lực lượng được triển khai, đặc biệt với các nữ quân nhân. Đó là điều kiện làm việc xa nhà, ở những nơi còn nhiều thiếu thốn.
Do đó, trong quá trình triển khai lực lượng, Cục GGHB phải sàng lọc thường xuyên để làm sao lựa chọn được những cán bộ tốt nhất, đủ phẩm chất chính trị, đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ.
10 năm qua, lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ không ngừng phát triển về số lượng, với chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Từ 2 sĩ quan đầu tiên được triển khai vào 2014 tới Nam Sudan, đến nay, QĐND Việt Nam đã cử hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trong đó có 114 quân nhân triển khai theo diện cá nhân tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở LHQ. Tỷ lệ nữ quân nhân tham gia rất cao, đạt 16,6%, được LHQ ghi nhận. Số lượng cán bộ, sĩ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của LHQ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ khi trở thành thành viên LHQ năm 1977 đến nay, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng; là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đối tác quan trọng của LHQ, có những đóng góp thiết thực, hiệu quả với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, nhằm bảo vệ nền hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.
Trong quá trình triển khai hoạt động GGHB, Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, về QĐND và Công an nhân dân Việt Nam, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái; sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Luồng gió mới” trong hoạt động GGHB LHQ
Các nữ quân nhân Đội Công binh Việt Nam (tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc) với các em nhỏ ở khu vực Abyei. (Ảnh: qdnd.vn) |
10 năm qua, Việt Nam đã phát triển từ hình thức cá nhân lên hình thức đơn vị với biên chế Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 gồm 63 quân nhân và Đội Công binh gồm 184 quân nhân.
Đội Công binh Việt Nam ở khu vực Abyei đã giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương bằng những hành động thiết thực như xây dựng tu sửa đường sá; giúp nhà trường xây dựng, cải tạo lớp học; dạy học tình nguyện; khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương và các trường học; khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương.
Các thê đội BVDC cấp 2 ở Nam Sudan đã chăm sóc sức khỏe và điều trị cho nhiều lượt bệnh nhân là nhân viên LHQ và người dân địa phương; áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân phù hợp với điều kiện dã chiến thực tế tại địa bàn; thực hiện thành công các ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca bệnh nguy hiểm.
Tháng 9 tới, Việt Nam dự kiến tiếp tục triển khai thê đội thứ 6 của BVDC cấp 2 tới Bentiu, Nam Sudan và thê đội thứ 3 của Đội Công binh tới khu vực Abyei. Qua 10 năm, hiệu quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam là rất lớn.
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục GGHB cho biết, Trung tâm huấn luyện của Cục đã được bạn bè quốc tế, đặc biệt là lãnh đạo LHQ đánh giá rất cao. Tháng 6/2018, LHQ đã chính thức công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong 4 trung tâm huấn luyện quốc tế mạnh ở khu vực, triển khai huấn luyện theo chương trình đối tác 3 bên.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người dân cũng như chính quyền địa phương, tạo nhiều thiện cảm, sự tin yêu, biết ơn thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp cải thiện đời sống của người dân như: Dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, tặng quà, đóng bàn ghế học sinh, làm nhà, dựng lớp học, khoan giếng, tặng máy phát điện, khám bệnh và phát thuốc miễn phí…
Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của QĐND Việt Nam trong tham gia hoạt động GGHB LHQ được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo LHQ ghi nhận như một mô hình tham khảo tốt, được ví như “luồng gió mới” trong hoạt động GGHB LHQ.
Sáng qua (27/5), Cục GGHB Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức kỷ niệm 10 năm Ngày Truyền thống (27/5/2014 – 27/5/2024) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận thành tích của lực lượng GGHB Việt Nam, tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Cục GGHB Việt Nam. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Đội Công binh số 1 (Cục GGHB).