Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

Cập nhật: 18/11/2021 08:45

Triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp; hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên; rà soát pháp luật để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc… là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 138/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế

Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương không được lơ là, chủ quan; sẵn sàng nguồn lực, phương án ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt lưu ý đối với các địa bàn chưa được tiêm bao phủ vaccine mũi 1; triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh; có chính sách phù hợp về phí, lệ phí để kích cầu du lịch nội địa, xây dựng phương án chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, theo quy định.

Cùng với đó, tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý theo quy định các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc, sinh phẩm, vaccine liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các vụ việc được dư luận quan tâm.

Bộ Công an chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm tập trung vào các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo, các loại tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Tiếp tục rà soát pháp luật để tháo gỡ các khó khăn

Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp tục rà soát pháp luật để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ có hiệu quả người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh phù hợp một số quy định để tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho giáo viên mầm non ngoài công lập và người sử dụng lao động tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại các đô thị lớn, khu công nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động hồi hương.

Bộ Giao thông Vận tải xây dựng lộ trình từng bước mở cửa đường bay quốc tế gắn với an toàn phòng, chống dịch, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp mở lại hoạt động du lịch gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; chỉ đạo thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa bàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá việc dạy, học trực tuyến; kịp thời hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên gắn với áp dụng các mô hình “lớp học xanh”, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ động triển khai các kết quả của hoạt động đối ngoại cấp cao; tiếp tục đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vaccine, hợp tác quốc tế ứng phó với dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế; triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thúc đẩy đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” với các nước nhằm mở cửa an toàn cho du lịch quốc tế phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh để tạo thuận lợi cho đi lại của chuyên gia, nhà đầu tư, người Việt Nam ở nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19…

Bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan theo lĩnh vực quản lý, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng nội dung cụ thể về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/11 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về vấn đề này.

theo Tuệ Minh – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan