Ảnh minh họa: Trần Hải |
Sự ghi nhận, tin tưởng, tôn vinh, hay ngưỡng mộ, kính trọng của tổ chức, tập thể và rộng hơn là của nhân dân, của xã hội đối với người lãnh đạo tạo nên danh dự của người đó. Đó là sự coi trọng, đánh giá cao phẩm chất, uy tín, năng lực cá nhân và quá trình công tác, thành tích cống hiến của họ, đó cũng chính là những giá trị tinh thần, xã hội, ý nghĩa cuộc sống vì sự đóng góp, cống hiến của họ.
Danh dự, uy tín của người lãnh đạo không thể đo đếm hay mua bán, đánh đổi bằng vật chất, tiền bạc, cũng không tự nhiên mà có, không ai có thể mang đến cho họ hoặc làm thay, làm hộ, mà phải do bản thân người lãnh đạo trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn, cống hiến nhiều năm. Danh dự của con người không liên quan tuổi tác, không phụ thuộc vào giới tính, học vấn, trình độ, địa vị, thành phần xuất thân. Là người bình thường, ai cũng đều có lương tâm, danh dự.
Tuy nhiên, mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của danh dự ở mỗi người trong xã hội có khác nhau phụ thuộc vào phương thức truyền thông, sự lan tỏa giá trị, quan hệ xã hội, uy tín, địa vị công tác, hoặc địa vị xã hội của người đó. Người có trình độ học vấn, có vị trí càng cao, có ảnh hưởng đến nhiều người, càng phải biết trọng danh dự, giữ gìn tư cách, hình ảnh, giá trị cá nhân đã được thừa nhận.
Danh dự là thứ thiêng liêng, cao quý, nhưng không xa vời, trừu tượng mà gần gũi, gắn với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Nó không tự mất đi, không bị hủy hoại bởi yếu tố bên ngoài nếu chính bản thân cá nhân đó không tự đánh mất, tự hủy hoại nó. Danh dự là giá trị cuộc sống, là phẩm chất, tư cách đạo đức, là lòng tự trọng của mỗi con người, cần phải thường xuyên bồi đắp, tích lũy. Mất danh dự là mất hết ý nghĩa cao quý, giá trị xã hội của cuộc sống, tên tuổi, niềm tin của mỗi con người trong xã hội.
Là những người được cử giữ những cương vị, trọng trách nhất định ở địa phương, đơn vị, đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, phẩm chất, năng lực, uy tín, danh dự của cá nhân luôn gắn với uy tín, danh dự của địa phương, đơn vị và gắn với truyền thống gia đình, dòng tộc, rộng hơn nữa là đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi thế, danh dự mỗi người nói chung, của người lãnh đạo nói riêng cần phải được coi trọng, trân quý và giữ gìn từ những hành vi, cử chỉ dù là nhỏ nhất.
Danh dự mỗi người nói chung, của người lãnh đạo nói riêng cần phải được coi trọng, trân quý và giữ gìn từ những hành vi, cử chỉ dù là nhỏ nhất.
Đối với người lãnh đạo, danh dự do nhiều yếu tố tạo nên, như phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư cách đạo đức, lối sống, trí tuệ, phong cách lãnh đạo, quản lý, phong cách làm việc, quan hệ, ứng xử trong công tác và thành tích cống hiến… Trong đó, sự liêm sỉ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất đối với lương tâm, danh dự, uy tín của người lãnh đạo.
“Liêm” chính là sự thanh liêm, chính trực, ngay thẳng, đó là sự trong sạch, tuyệt đối không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân”(1) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, không hám danh, địa vị, không ham tiền tài, danh vọng, quang minh chính đại, không đố kỵ, bận tâm toan tính lợi ích nhỏ nhen, ích kỷ.
“Liêm” chính là thước đo đạo đức và bản lĩnh con người của người cán bộ, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý, nắm trong tay quyền hành, tiền của, tài sản công. Người có “liêm” sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, trái với đạo lý, lương tâm, nguyên tắc, quy định; biết phân biệt đúng sai, tốt, xấu, biết tự cảnh báo giới hạn, răn dạy mình tránh những điều xấu xa, tội lỗi.
Sự liêm chính của cán bộ, đảng viên sẽ tạo uy tín và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu không có hoặc thiếu sự trong sạch, liêm chính, tiết kiệm “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”(2).
“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng –
“Sỉ” là biết hổ thẹn khi làm việc xấu, làm sai, làm trái. “Liêm sỉ” là bản tính trong sạch, quyết không làm điều phải xấu hổ(3). “Danh dự”, “liêm sỉ” là những điều quan trọng hàng đầu và đó cũng chính là điều căn cốt cần có ở mỗi người cán bộ. “Danh dự”, “liêm sỉ” thuộc phạm trù đạo đức, lối sống và làm nên phẩm hạnh con người, là thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội.
Người giữ liêm sỉ thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được trong sạch, không bị “vấy bẩn” bởi lòng tham, sự vô sỉ, không lợi dụng địa vị, chức vụ của mình để “chiếm công vi tư”. Người không có “liêm” thì thứ gì cũng lấy, người không có “sỉ” thì việc gì cũng làm. Người vô liêm sỉ, là người không biết trọng danh dự, có thái độ, hành vi trái với đạo đức, tư cách, lương tâm, danh dự của con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(4). Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo phải biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ, “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(5). Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần “khắc cốt”, “ghi tâm” những lời dạy của Bác.
“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. (Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6/2022).
Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần học tập lý tưởng sống của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô (cũ) Nikolai A.Ostrovsky:
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”. (Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 19/11/2020).
Vậy mà, thời gian qua, nhiều người đã tự mình tước bỏ những điều thiêng liêng, cao quý ấy. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ ngày 1/7/2012 đến ngày 31/3/2022, qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.741 tổ chức đảng, 167.748 đảng viên (tăng 16.096 đảng viên so với giai đoạn 10 năm 2001-2011); trong đó có 7.393 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 1.260 đảng viên so với giai đoạn 10 năm 2001-2011).
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng (gồm 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 10 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm; 19 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng), hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (6).
Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao sai phạm đã phải chịu kỷ luật nghiêm minh, thậm chí bị truy tố trước pháp luật, mất hết liêm sỉ, danh dự của bản thân, gây tổn hại lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Với một người bình thường, danh dự là cao quý. Đối với người lãnh đạo, “danh dự”, “liêm sỉ” là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Liêm sỉ làm nên nhân cách của một con người, là kim chỉ nam cho hành động, giúp con người phân biệt được đúng sai, những việc nên làm và những việc nên tránh. Đó cũng là yếu tố giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, cuộc sống giàu ý nghĩa, cao quý và nhân văn.
Mỗi người lãnh đạo cần biết trọng danh dự, giữ cho được liêm sỉ, thanh danh của bản thân và của Đảng, gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, luôn tự soi, tự sửa những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm, góp phần xây dựng nền văn hóa chính trị, văn hóa liêm chính trong Đảng.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.145.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 5, tr.240.
(3) Nguyễn Như Ý: Từ điển Tiếng Việt. Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1018.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 5, tr.309.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 5, tr.292.
(6) Xem: Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về: Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.