Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác….
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả đạt được của nước ta trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.
Đại biểu cho biết, nhân dân và cử tri nhận thấy rất rõ hoạt động tích cực, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cả về đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, theo đại biểu còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa có giải pháp quyết liệt.
“Đó là tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết những khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội…”-đại biểu Nghĩa nêu.
Dù hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tuy nhiên theo đại biểu quy định này là chưa đủ.
Do đó, đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ.
Cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ Tư pháp để hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“Thông tư này cần hướng dẫn cụ thể đồng thời cần sâu sát với tâm tư, những bức xúc của cán bộ, có như vậy cán bộ, công chức mới an tâm ban hành các quyết định hành chính”- đại biểu Nghĩa đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh– Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, hạn chế “tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Nhấn mạnh việc Chính phủ đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong “triển khai nghiêm túc” Nghị định 73 năm 2023 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung vì “tình trạng này thời gian qua khá phổ biến”.
Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua”.
Đồng thời, tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được Thủ tướng Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là: Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.
theo Duy Tuấn – Báo Công lý