Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ yêu cầu chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu. Tán thành cao với nội dung này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, qua các vụ việc của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… vừa qua cho thấy, các cán bộ hiện nay cần suy nghĩ về tu dưỡng, rèn luyện. Cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược càng phải đề cao về trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng cá nhân.
– Trong thời gian ngắn vừa qua, Trung ương đã xử lý nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ông đánh giá thế nào về việc này?
– Tính từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay mới chưa được 1 năm rưỡi. Thế nhưng, Trung ương đã phải xử lý kỷ luật 3 Ủy viên Trung ương, bao gồm ông Trần Văn Nam, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Đây là điều rất đáng buồn. Lẽ ra đối với những cán bộ cấp chiến lược như vậy, cần hết sức nêu cao trách nhiệm nêu gương và thực sự phát huy ảnh hưởng của mình trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Các vị này đã vi phạm rất nghiêm trọng, không phải chỉ bị xử lý kỷ luật Đảng mà còn bị đưa ra khởi tố, xử lý bằng pháp luật. Điều đó thể hiện sự nghiêm trọng của các sai lầm, khuyết điểm.
Một điểm đáng chú ý nữa là, khuyết điểm, vi phạm của các vị đó không phải là nhất thời, mà là cả một quá trình. Ví dụ như vi phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam là qua mấy nhiệm kỳ, hay các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long cũng vậy. Điểm thứ ba, theo tôi, là những sai phạm đó không phải là sai lầm của riêng cá nhân các vị đó mà nằm trong một tổ chức, như tại Bộ Khoa học và Công nghệ còn liên quan đến Thứ trưởng Bộ này. Tức là, đó là những sai phạm có tính tổ chức, có tính liên kết, thành “dây” với nhau. Việc này làm cho đảng viên, cán bộ, nhân dân suy nghĩ rất nhiều.
“Bản thân những người thực thi chính sách pháp luật phải hết sức nghiêm, cặn kẽ với từng đồng tiền, bát gạo là mồ hôi, nước mắt của dân. Trong hoàn cảnh đất nước cực kỳ khó khăn, trải qua dịch bệnh như vừa rồi, tôi không biết diễn đạt nổi tại sao mà con người lại vẫn làm ra những việc như thế được. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, cán bộ, đảng viên phải biết liêm sỷ, biết trọng danh dự, đề cao danh dự cá nhân của mình. Trước kia, Bác Hồ cũng nói phải biết giữ danh dự của người đảng viên và thanh danh của Đảng”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Từ đó, chúng ta suy nghĩ thêm sự nghiêm khắc của Đảng. Qua các vụ án vừa rồi cho thấy rõ hơn quyết tâm chính trị của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nó thể hiện không chỉ quyết tâm chính trị cao mà còn xử lý rất nhanh, rất kịp thời, không rề rà như trước. Trước đây có khi việc xử lý còn để kéo dài, nhưng nay làm nhanh, làm dứt điểm; cả xử lý về Đảng, chính quyền và pháp luật. Những việc đó củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
– Như ông vừa nói, các cán bộ cấp cao nói trên không chỉ vi phạm kỷ luật Đảng mà còn vi phạm pháp luật. Theo ông, đâu là nguyên nhân, do bản thân cán bộ đó không tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân… hay do trong cơ chế, chính sách của chúng ta còn bất cập, lỗ hổng?
– Theo tôi, là do cả hai. Trước hết, là do cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện; bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, tham muốn vật chất. Các vị đó, theo tôi, cũng không biết trọng danh dự của người cán bộ, đảng viên. Họ không coi trọng thanh danh của Đảng nên sẵn sàng làm những điều rất đáng phê phán, lên án như vậy. Bản thân các vị đó là những tri thức, những người có học vị, học hàm, có trình độ nhận thức cao nên họ hiểu được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là phải, đâu là trái nhưng vẫn cố tình vi phạm. Trong lịch sử của chúng ta, các bậc trí thức, mà ngày xưa gọi là kẻ sĩ, rất chú ý đến tu dưỡng, rèn luyện cá nhân, ít dính dáng đến những vấn đề về vật chất, tiền của. Thế nhưng, các vị nói trên lại quá tham muốn vật chất, trục lợi cá nhân, bất chấp phải – trái, đúng – sai, lương tâm – trách nhiệm. Qua các vụ việc vừa qua cho thấy rằng, các cán bộ hiện nay cần suy nghĩ về tu dưỡng, rèn luyện. Cán bộ ở cấp nào, nhất là cấp chiến lược, càng phải đề cao về trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng cá nhân.
Ở khía cạnh thứ hai, theo tôi, qua những vụ việc mới đây cho thấy, việc quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực của chúng ta cũng còn nhiều điều phải suy nghĩ để khắc phục, bớt đi những kẽ hở, lỏng lẻo. Nếu biết “tuýt còi” từ trước, ngăn chặn từ trước thì những vụ việc sai phạm không xảy ra được. Do vậy, việc quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên lãnh đạo ở cấp chiến lược, phải rất chặt chẽ, không để người ta có quyền lực trong tay rồi muốn làm gì thì làm. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng các vị nói trên đều có sai phạm gắn liền với quản lý tài sản, tài chính, các lĩnh vực liên quan đến vật chất. Vì vậy, những cơ chế, chính sách về quản lý cũng phải được điều chỉnh, không để những kẽ hở, tránh những sai phạm rất đáng tiếc như thời gian qua.
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra tháng 12/2021 nhấn mạnh về việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí và công luận. Theo ông, cần làm gì để tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên?
– Theo tôi, đó là một nguyên tắc, vì Đảng muốn mạnh thì phải dựa vào sức mạnh của dân. Mà sức mạnh của dân thể hiện trước hết ở việc dân được trao đổi ý kiến, như Bác Hồ từng nói là “trước khi làm bất cứ việc gì, Đảng và chính quyền cũng phải bàn bạc với nhân dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của họ, cùng với họ đặt kế hoạch cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương”. Khía cạnh thứ hai về vai trò của dân chính là người dân là người giám sát mọi việc làm của cán bộ, đảng viên. Trong lịch sử, kể cả thời bao cấp, mọi việc làm của cán bộ, đảng viên, dù ở cấp cơ sở hay cấp cao hơn, người dân đều thấu hiểu, đều biết; thậm chí, nhiều người làm tốt nên người dân rất kính phục, nên mới có câu “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Đó là lời khen chân thành của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.
Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đồng thời cũng là có lợi ích. Theo tôi, có 2 mối quan hệ mà cán bộ, đảng viên phải rất chú ý, bao gồm quan hệ giữa trách nhiệm chính trị của mình với ý thức vì dân, phục vụ nhân dân; và thứ hai là mối quan hệ giữa việc giữ vai trò, vị trí của mình và việc hưởng thụ. Hưởng thụ bao giờ cũng phản ánh cống hiến. Thế nhưng, hiện nay, có những cán bộ, đảng viên hưởng thụ cao hơn so với chế độ theo đúng quy định của Nhà nước.
Về việc giám sát, theo tôi biết, hiện nay, có 2 hình thức là giám sát trực tiếp của người dân với cán bộ, đảng viên hoặc qua các tổ chức, các đoàn thể, tổ chức Mặt trận… Tuy nhiên, việc giám sát trực tiếp còn có nhiều khó khăn, hạn chế; chủ yếu vẫn là giám sát qua các tổ chức quần chúng. Đại hội XIII đã nhấn mạnh quan điểm lớn mà theo tôi là rất sâu sắc, đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng. Cần phải cụ thể hóa phương châm đó thành những cơ chế, chính sách, quy chế làm việc một cách cụ thể thì việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên mới có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các giám sát khác, như giám sát của báo chí, của các cơ quan truyền thông; việc kiểm tra sâu sắc của các cơ quan có trách nhiệm đã phát hiện khá tốt những sai phạm. Vừa qua, phần lớn những vụ việc lớn bị khui ra đều là vai trò của của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp làm là chính. Đồng thời, báo chí cũng lên tiếng, thậm chí có vụ việc từ phản ánh của báo chí mà các cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc. Theo tôi, các giám sát đó phải đề cao hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng nhất định chúng ta sẽ phòng ngừa, ngăn chặn được những sự việc đáng tiếc như vừa qua.
Xử lý sai phạm để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương
Chia sẻ về việc bãi nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường nhấn mạnh, thành tựu mà ngành Y tế và cá nhân ông Nguyễn Thanh Long đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là rất lớn, rất đáng ghi nhận. “Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và để giữ vững kỷ cương, kỷ luật, chúng ta buộc phải thực hiện quyết định như vậy. Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV cũng đã khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính trị. Do đó, dù rất buồn và đau xót nhưng sai phạm vẫn phải xử lý để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương”, ông Cường khẳng định. Tổng Thư ký QH cũng nêu rõ: “Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt, vì thế, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai vi phạm phải bị xử lý”.