Để không phải “đốt đuốc” tìm người thực tài

Cập nhật: 17/09/2020 08:52

Nguyễn Túc – Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Câu chuyện lãng phí, “chảy máu” chất xám không chỉ là việc người Việt Nam giỏi ra nước ngoài làm việc, mà ngay cả môi trường trong nước cũng có sự lãng phí về nhân lực. Để khắc phục và xây dựng được đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của xã hội, của hệ thống chính trị, trong đó Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Chúng ta phải thực sự cầu hiền, đãi sỹ.

Phi trí bất hưng

Dân tộc ta xưa nay luôn tôn trọng trí thức, thể hiện qua câu thành ngữ rất quen thuộc: “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Nhà nho – nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam Chu Văn An cũng từng khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hay bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia, ông cha ta có câu: “Phi trí bất hưng”, “phi nông bất ổn”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”.

Ở bất cứ thời kỳ nào, trí thức cũng được đặt lên vị trí hàng đầu. Kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha, Bác Hồ luôn đặc biệt coi trọng đội ngũ trí thức, nhất là trí thức kiêm nhân sỹ. Người luôn tạo điều kiện cho nhân sỹ đi theo cách mạng. Do sống có tình nghĩa và chân thật, Bác thu hút được rất nhiều nhân tài. Nhân sỹ, trí thức có tên tuổi đã hồ hởi ủng hộ Bác và tình nguyện đi với Người trên con đường cứu nước vẻ vang nhưng đầy gian nan, thử thách. Có thể kể đến những người nổi tiếng như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Kế Toại, cụ Vi Văn Định, viện sỹ Trần Đại Nghĩa, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Nguyễn Văn Huyên, bác sỹ Trần Hữu Tước, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh…

Trước đó, Bác còn đứng ra bảo lãnh cho cụ Phan Kế Toại và cụ Vi Văn Định tham gia vào chính quyền. Ấy là bởi trước Cách mạng tháng Tám, cụ Phan Kế Toại từng giữ chức Khâm sai đại thần triều Nguyễn, cụ Vi Văn Định từng là Tổng đốc triều Nguyễn. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời bấy giờ có ý kiến nghi ngại về hai cụ Phan Kế Toại và cụ Vi Văn Định và đòi xử hai cụ. Nhưng thực tế đã chứng minh, cụ Phan Kế Toại đã được tín nhiệm cao và đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, cụ Vi Văn Định là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội. Những nhà nhân sỹ, trí thức, có uy tín rất lớn đối với dân, với nước đều được Bác trân trọng. Bác không dùng quyền lực để nói chuyện với trí thức mà mềm mỏng, thuyết phục, chiêu hiền đãi sỹ.

Cảnh giác với “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ…”

Được tư tưởng của Bác soi rọi, Đảng ta qua các thời kỳ cũng rất trọng trí thức. Ở Đại hội thi đua yêu nước đầu tiên, chúng ta đã tuyên dương, tôn vinh những anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu trong đó có các trí thức. Đây là Đại hội đánh dấu thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 7 Khóa X đã ban hành Nghị quyết 27 – NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 – NQ/TW, chúng ta nhận định, đội ngũ trí thức và nhân tài nước ta có những chuyển biến quan trọng. Vị trí, vai trò của trí thức không ngừng được củng cố, tăng cường. Số lượng và chất lượng từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của đất nước. Chúng ta cũng hình thành được đội ngũ trí thức mới, đóng góp không nhỏ vào thành công của đất nước. Nếu tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 6,5 triệu người từ cao đẳng trở lên. Chưa kể chúng ta có hơn 400.000 trí thức là Việt kiều. Chính đội ngũ trí thức, nhân tài đó lại trực tiếp tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng những ý kiến đóng góp, phản biện sâu sắc, góp phần làm cho đường lối, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn, khoa học hơn, tránh tình trạng duy ý chí, chủ quan.

Tuy nhiên, trí thức đầu đàn của chúng ta còn đang thiếu. Đội ngũ trí thức đông nhưng chưa mạnh. Một số cấp ủy cũng chưa coi trọng đội ngũ trí thức. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng trí thức vẫn còn câu chuyện “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Trong chính sách đối xử với trí thức, đặc biệt là người có tài chưa có đãi ngộ thực sự tương xứng.

Đội ngũ trí thức, nhân tài là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, là nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Đến nay những quan điểm của Nghị quyết 27 vẫn còn nguyên giá trị. Tiếc rằng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều chủ trương, chính sách về trí thức chậm đi vào cuộc sống, thiếu hiệu quả, có nơi thực hiện không nghiêm túc, có nơi tích cực hiện thực hóa nhưng lại vướng cơ chế, pháp luật hiện hành và cũng chưa thể tháo gỡ.  Chúng ta vẫn thiếu các chuyên gia đầu ngành tầm cỡ quốc tế, thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, tập thể nghiên cứu mạnh và thiếu trầm trọng những chuyên gia làm được tổ chức khoa học, đóng vai trò là “tổng công trình sư” liên kết các ngành.

Câu chuyện lãng phí, chảy máu chất xám không chỉ là người Việt Nam giỏi đi ra nước ngoài làm việc, mà ngay cả môi trường trong nước cũng có sự lãng phí nhân lực. Muốn khắc phục được tình trạng này, xây dựng đội ngũ trí thức phải là trách nhiệm chung của xã hội, của hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng, Nhà nước giữ vai trò quyết định. Đồng thời, trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải thực hành dân chủ rộng rãi hơn nữa, tôn trọng và phát huy tự do, tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.

Không cần phải “đốt đuốc” lên mới thấy được người có thực tài mà chỉ cần có kế sách cụ thể, thực sự trân trọng tài năng, khiêm nhường mời gọi người tâm huyết để khơi nguồn hiền tài, làm cho đất nước hưng thịnh và hiền tài ngày một nhiều thêm.

theo Ý Nhi ghi – daibieunhandan.vn

Tin liên quan