Ảnh minh họa |
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng
Cử tri các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ nhưng vẫn chưa triệt để. Cử tri kiến nghị có giải pháp quyết liệt và biện pháp chế tài mạnh hơn; cần kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng; cần quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn; hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng…
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, thời gian qua, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Tổng TTCP, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp…
Theo Tổng TTCP, Chính phủ luôn xác định PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội và PCTN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực…
Ngăn chặn triệt để việc tẩu tán, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng
Về hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, theo Tổng TTCP Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực; đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan chức năng quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các công tác PCTN, tiêu cực.
Cùng với đó, tập trung, chủ động kiểm tra, xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, thu hồi triệt để tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực trước và ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Mặc dù kết quả năm sau cao hơn năm trước nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của nước ta hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do số tiền thu hồi rất lớn, những người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án.
Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định, bán đấu giá tài sản trong thi hành án. Tăng cường phối hợp, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…
Bên cạnh đó, để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch, mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện cho việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.
Nghiên cứu lập cơ quan chuyên trách quản lý việc kê khai tài sản
Liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập, cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị cần có cơ chế, biện pháp hiệu quả hơn trong công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức.Theo đó, có thể nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản.
Trả lời cử tri, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong khẳng định, so với trước đây, cơ chế, biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập với một số điểm mới quan trọng, nhất là việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên. Năm 2022, đã có 7.662 người được xác minh tài sản thu nhập, phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức,Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Năm 2022 các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra được 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản” và hiện Thanh tra Chính phủ đang tổ chức thực hiện.
Theo Tổng TTCP, việc nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trước mắt, mô hình các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị.
Về xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, Tổng TTCP cho biết, trong năm 2022, toàn ngành thanh tra đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng và 8.777ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng và 574ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.641 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.