Vừa phạm luật, vừa gây dư luận xấu
Trước đó, dư luận tại Bà Rịa – Vũng Tàu “âm ỉ” câu chuyện giao đất sai quy định tại huyện Đất Đỏ. Theo kết luận thanh tra (KLTT) do tỉnh ban hành mới đây về việc giao 235 lô đất trên địa bàn Đất Đỏ, trong số 235 trường hợp được giao đất không qua đấu giá, có 196 trường hợp giao sai, vi phạm khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013; 16 trường hợp còn vướng mắc về cách hiểu quy định pháp luật.
Trong 196 trường hợp giao đất sai, có trách nhiệm của một số lãnh đạo UBND huyện khi ký công văn giao Phòng TN&MT lập thủ tục giao đất, Quyết định giao đất, sổ đỏ, gồm: Ông Nguyễn Thanh Dũng (Sáu Dũng – Chủ tịch huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016, đã mất); ông Tạ Văn Bửu (Phó Chủ tịch huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016, Chủ tịch huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021), ông Nguyễn Văn Hải (Phó Chủ tịch huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016 và 2016 – 2021).
Một trong những chi tiết khiến dư luận bức xúc nhất, trong số các khu đất giao sai quy định, có 60 lô giao cho 43 cá nhân (17 cán bộ được giao mỗi người 2 lô), là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa X, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Thậm chí với người đã qua đời “nếu gia đình có nguyện vọng cấp đất, huyện sẽ xem xét giải quyết”.
Kết quả thanh tra cho thấy 43 cán bộ này đều đã có đất ở tại thời điểm giao đất nhưng vẫn được giao 60 lô đất tại khu vực được đặt tên “khu dân cư thu nhập thấp”. Thực tế này khiến người dân địa phương và dư luận cho rằng cán bộ địa phương không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn gây dư luận phản cảm.
Theo ghi nhận của NPV, các khu đất đã cấp sai quy định đều chỉ cách bờ biển vài trăm mét. Tại một số khu vực, đường sá còn chưa đổ nhựa mà chỉ là đường đất. Tại một số lô đất có nhà mọc lên.
Một diễn biến khác, là sau khi Bộ Công an có văn bản nêu trên, UBND huyện Đất Đỏ lại có một động thái bất thường ra Thông báo 987/TB-UBND thông báo bán đấu giá 3 lô đất tại 3 khu đất sai phạm. Một nguồn tin cho hay huyện đang “đấu” giá 3 khu đất trên để lấy một con số giá trị “chuẩn” của từng lô đất, từ đó ước tính ra tổng giá trị sai phạm nhằm khắc phục thiệt hại.
“Bí thư nói vậy, mình sao làm khác được?”
Đến thời điểm hiện tại, một trong những cá nhân bị dư luận hướng sự quan tâm nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Hải (Phó Chủ tịch huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016 và 2016 – 2021). Trước đó ông Hải từng là Chánh Thanh tra huyện Đất Đỏ. Sau khi thôi chức Phó Chủ tịch huyện, ông Hải được điều động về Chánh Thanh tra tỉnh và hiện nay giữ chức GĐ Sở TN&MT.
Khi NPV liên hệ đặt lịch làm việc, ông Hải cho biết cả ngày đã kín lịch tham dự các cuộc họp, nhưng do đây là vấn đề cần dư luận sớm hiểu rõ hơn và một số người trong cuộc đã qua đời (như ông Sáu Dũng – NV) nên ông vẫn mong muốn có cuộc giãi bày vào cuối giờ chiều.
– Thưa ông, vì sao huyện có ý tưởng hình thành các “khu dân cư” và đã bị thanh tra kết luận là không đúng quy định pháp luật?
– Cơn bão số 9 năm 2006 ập vào đánh tơi tả các xã ven biển như Lộc An, Phước Hải… Nhà người dân vùng sát biển bay hết. Tỉnh và huyện cùng thấy người dân cực quá, mà quỹ đất có thì phải giãn dân, giải quyết vấn đề đất ở cho bà con. Năm 2006 có ý tưởng, xin chủ trương, mãi đến 2013 – 2014 mới bắt đầu bắt tay.
Những khu này mục tiêu là sắp xếp dân cư, dành cho người thu nhập thấp, chứ không phải khu tái định cư, không phải khu thương mại.
– Làm như vậy có đúng quy định pháp luật về đất đai hay không?
– Theo Luật Đất đai 2003 là thời điểm ra ý tưởng thì không sai, huyện có thể giao đất có thu tiền sử dụng. Nhưng theo Luật Đất đai 2013 thì phải đấu giá.
– Thời điểm đó những khu đất đó có giá hay không?
– Trả tiền theo bảng giá Nhà nước, nhưng thực ra hồi đó giá thị trường cũng không cao. Theo tôi thời điểm đó mà đấu giá thì bằng hoặc thấp hơn 60 triệu là số tiền mỗi hộ nộp vào ngân sách. Huyện chỉ lấy máy cày xới, đổ đất cấp phối rồi giao đất, chứ đường sá hạ tầng không có, một số khu tới hiện nay cũng chưa có đường nhựa nội bộ. Lúc giao, có 4 – 5 người xuống xem rồi từ chối vì sợ tiền san lấp nặng quá. Nhiều người nhận nhưng ở không nổi, cũng không bán được vì hiu quạnh vắng vẻ, điện chưa kéo, nước không có, đường đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu. |
-Nhưng so với quy định pháp luật thì đó là hành vi không đúng?
– Ngay lúc đó tôi đã thấy như thế, do trước đó tôi từng làm Chánh Thanh tra huyện, có biết về pháp luật. Đất đó phải đấu giá.
Tôi kêu lãnh đạo Phòng TN&MT lên, nói phải đấu giá mà mấy anh trình hồ sơ lên đây ký là sao? Mấy ảnh cũng công nhận pháp luật quy định vậy. Nhưng sau khi giở luật ra chỉ cho nhau thì mấy ảnh cho hay “Ban Thường vụ huyện quyết rồi, anh chống à?”. Tôi nói không chống nhưng Ban Thường vụ không trên luật được. Anh em mới báo lại Thường trực Ủy ban, báo Thường trực Huyện ủy thì được chỉ đạo “Tôi quyết cái gì thì sau này tôi chịu”. Bí thư nói vậy, Thường trực nói vậy, mình sao làm khác được?
Một vấn đề khác, không phải đổ lỗi mà khách quan là thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, phải đấu giá nhưng cả tỉnh không có đơn vị nào khảo sát đấu giá. Luật yêu cầu phải khảo sát giá thị trường nhưng đơn vị khảo sát giá không có, hội đồng thẩm định giá của tỉnh cũng chưa biết thực hành sao, nên nếu có sống chết đấu giá thì cũng phải một thời gian sau mới thực hiện được, bà con thì không có đất ở.
Mong muốn xử lý “có tình, có lý”
– Ông có được cấp lô đất nào trong 235 lô đó không?
– Danh sách do Văn phòng Huyện ủy thì tôi có 2 lô, dù tôi không nằm trong Ban Thường vụ. Nhưng khi Văn phòng giục tôi nhận đất thì tôi từ chối, nói kết thúc danh sách đi.
Hôm rồi về họp kiểm điểm tại huyện, tôi đưa ra ý kiến công tôi có thể nhiều hơn tội. Thời điểm đó tôi không quyết liệt thì còn xảy ra nhiều việc nữa. Lúc đó nhiều cơ quan đơn vị xin đất, lãnh đạo huyện tạo điều kiện cho một số. Họp thường trực Ủy ban, tôi báo cáo nếu không dừng lại thì quỹ đất huyện không đủ cho, trong khi mình còn nhiều bà con nghèo. Tới đó huyện mới ngưng lại.
– Phương án xử lý hậu quả sự việc này ra sao?
– Với những cán bộ giao đất, nay mình đi năn nỉ, người ta trả lại, hoặc trả lại cho nhau nếu đã chuyển nhượng, nên khá thuận lợi. Với những hộ đã chuyển nhượng, cất nhà thì có phương án khảo sát một lô tương tự, đấu giá rồi quy ra tiền, những người đã cất nhà sẽ trả lại số tiền đất còn thiếu. Nhưng đó cũng chỉ là một phương án chứ chưa thực hiện. Hy vọng là với mục đích khắc phục hậu quả, nguyên tắc không để Nhà nước thất thoát thì cơ quan chức năng sẽ tính toán chấp nhận phương án trên.
– Với những hộ cho rằng đã nhận tài sản ngay tình, được pháp luật bảo vệ thì tính sao?
– Cái nào không được nữa thì chắc anh em phải bỏ tiền túi ra khắc phục.
– KLTT đã nêu rõ ông ký sổ đỏ chỉ vì thực hiện nhiệm vụ “được Chủ tịch huyện ủy quyền ký sổ đỏ” theo thông báo phân công công việc. Nói cách khác ông phải ký theo chỉ đạo của cấp trên, chứ chủ trương không tham gia, không vụ lợi. Vậy sao giờ ông phải bỏ tiền túi ra khắc phục?
– Về mặt pháp luật, mình phải có trách nhiệm với việc mình ký. Bây giờ đã kết luận sai, cùng chịu trách nhiệm với nhau để mà khắc phục, chứ không thể nói tôi có quyền lợi gì đâu mà bây giờ tôi trả.
Hôm trước tôi nói với anh em, tình huống xấu nhất là truy tố thì nguyên tắc Nhà nước vẫn phải thu hồi. Vậy thì bây giờ anh em mình ngồi lại với nhau, cùng khắc phục.
Nhiều lúc nghĩ mà đau lòng. Giờ nhiều người nói tại sao không báo, không nói? Nhưng nguyên tắc Đảng, Ban Thường vụ quyết, ra văn bản, mình phải chấp hành.
Hôm rồi, khi kiểm điểm, nhiều ý kiến “giờ kỷ luật Hải thì tội nghiệp. Vì thời điểm đó Hải cũng có những phản ứng nhưng mấy anh không thay đổi chủ trương thì Hải là người phải chấp hành thực hiện”.
Nhưng nhắc lại, về mặt pháp luật thì tôi phải có trách nhiệm trong việc này. Sinh mệnh chính trị của mình, uy tín gia đình, uy tín cá nhân… (thở dài). Bây giờ cần thiết thì mượn, bạn bè hỗ trợ cho vay để khắc phục.
– Hiện ông mong muốn điều gì?
– Tôi mong muốn sự việc được nhìn nhận ở nhiều góc độ, xử lý có tình, có lý. Bởi lẽ bản chất vấn đề ở đây không phải tham nhũng, không phải lợi ích riêng gì. Ở đây chỉ là lo cho cái chung.
– Xin cảm ơn ông!