Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với Bộ Công thương

Cập nhật: 02/03/2022 16:32

Sáng 2.3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Đoàn giám sát đã làm việc với Bộ Công thương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó trưởng Đoàn giám sát…

Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2107/QH14, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5.2.2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Bộ đã tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch ngành công thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực. Trên cơ sở đó, Bộ đã xây dựng danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2.12.2019 về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân báo cáo tại cuộc làm việc

Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 5.2.2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trong đó quy định các bộ, ngành cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay các quy hoạch đã bãi bỏ, Bộ Công thương đã bãi bỏ 27 quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 3 quy hoạch.

Về nhóm nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, với nhiệm vụ được giao lập 5 quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Công thương đã khẩn trương triển khai lập 4 quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng Quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng kho xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản.

Đối với giải pháp khắc phục những hạn chế của quy hoạch thời kỳ trước khi triển khai lập quy hoạch thời kỳ mới, Bộ Công thương nhận thấy, còn có những vướng mắc khi phải điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, cần thiết bổ sung vào của pháp luật về quy hoạch để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh. Để giảm thiểu các sai sót, nhầm lẫn tọa độ, ranh giới, địa giới hành chính, chồng lấn với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các địa phương, quá trình xây dựng, xin ý kiến dự thảo Quy hoạch các loại khoáng sản, Bộ Công thương đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ, rà soát, đánh giá hiện trạng, rà soát các dự án quy hoạch…

Quang cảnh cuộc làm việc

Về phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua 2 Bộ đã cung cấp các thông tin, dữ liệu lập quy hoạch khoáng sản, thẩm định đánh giá tác động môi trường các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật về môi trường. Đồng thời, phối hợp trong việc cấp phép khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tham góp ý kiến đối với cấp phép không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản của một số dự án…

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Công thương đã bám sát đề cương, yêu cầu; cho rằng, tiến độ phê duyệt quy hoạch của ngành công thương đã được chỉ rõ song báo cáo chưa đầy đủ, chưa chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể.

Để tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, có ý kiến đề nghị, Bộ Công thương cho biết rõ hơn, với những văn bản hướng dẫn đã có của Chính phủ, của các bộ, ngành có liên quan thì đến nay đã đủ để Bộ thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch hay không khi Bộ chỉ có văn bản hành chính mang tính chất định hướng triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với 4/5 loại quy hoạch ngành quốc gia được giao đã hoàn thành, một số ý kiến nêu rõ, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các loại quy hoạch. Tuy nhiên, do 4 quy hoạch quốc gia của Bộ được giao đã triển khai là rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do đó, một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cần có văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt hơn 4 quy hoạch này.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, báo cáo còn chưa đầy đủ, chưa nêu rõ một số nội dung có liên quan, đặc biệt là chưa nêu được trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như các tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Bộ Công thương đã chú trọng rà soát văn bản kỹ thuật ở Luật Quy hoạch, rà soát quy hoạch hết hiệu lực của ngành công thương; thực hiện tốt công tác phối hợp thẩm định…

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, với 5 quy hoạch ngành quốc gia được giao hiện đều chưa được phê duyệt nên dẫn đến tình trạng bị chậm. Do đó, cần đặt chất lượng lên hàng đầu và bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất với quy hoạch, bảo đảm không để lại hậu quả khi quy hoạch đã ban hành lại phải điều chỉnh và không bảo đảm tính thực tế.

Về một số vấn đề liên quan đến quy hoạch khoáng sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là đánh giá tác động về xã hội, môi trường của các quy hoạch khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Công thương cần chú ý đến ranh giới quan hệ giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác bằng cách lấy ý kiến của các bộ, ngành. Về phương pháp lập quy hoạch, tích hợp quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ cần hết sức chú ý việc kế thừa, thực hiện công khai, vì các vấn đề quy hoạch của ngành liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

theo T. Thành – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan