Dự án quan trọng nhất giai đoạn 2021-2022
Dự án đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân là dự án cấp bách mà Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phải hoàn thành trong tháng 12/2022, đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1, Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh đề nghị EVNNPT đưa dự án này lên ưu tiên số 1 bởi nếu dự án chậm tiến độ, Việt Nam sẽ phải bồi thường số tiền lớn theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư NMNĐ BOT Vân Phong 1. Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo dự án 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân của EVNNPT họp điều độ dự án hằng tháng. Lãnh đạo Tập đoàn sẽ tham dự họp để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc.
“Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa cho EVNNPT trong việc gửi đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như làm việc với chính quyền các địa phương có đường dây đi qua” – Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khẳng định.
Để đáp ứng mục tiêu đóng điện công trình theo tiến độ đã cam kết, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án đồng bộ với NMNĐ BOT Vân Phong 1 do Tổng giám đốc EVNNPT trực tiếp làm Trưởng Ban. Ban quản lý dự án (QLDA) các công trình điện miền Trung (CPMB) – sẽ thành lập 2 ban tiền phương đặt tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để điều hành dự án.
EVNNPT cũng xác định đây là dự án quan trọng nhất trong năm 2021 và 2022. Vì thế, việc điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị… cho dự án sẽ được ưu tiên để đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho hay: “Ban QLDA chỉ thực hiện được các việc như đôn đốc các thủ tục. Nhiều khi phải chấp nhận cách ly khi đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để có thể tiếp cận công việc sớm được ngày nào tốt ngày đó”.
Nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ gặp rất nhiều khó khăn, dự kiến sau 20/9/2021 mới có thể tổ chức đối thoại để tiến hành công tác GPMB. Tính đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chưa tổ chức thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ để tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (trong khi theo kế hoạch là tháng 5-6/2021).
Thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) chưa có thông báo thu hồi đất; huyện Cam Lâm, Diên Khánh (Khánh Hòa) chưa kê kiểm được đất cho dự án, chưa có giá đất cụ thể để thực hiện việc áp giá, lập phương án bồi thường sau khi kiểm kê xong; chưa có chủ trương hỗ trợ đất nằm dưới hành lang tuyến. Ở tỉnh Ninh Thuận, các huyện Bác Ái, Ninh Phước chưa có giá đất cụ thể… Chưa kể, do tình hình dịch bệnh nên công tác họp xét nguồn gốc đất ở các xã cũng không tổ chức được. Vì vậy, chưa thể lập phương án bồi thường.
Bên cạnh đó, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn do các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội. “Nhiều khi vì tính cấp thiết của công việc, chúng tôi xin rời địa bàn Đà Nẵng được nhưng sang địa bàn khác – nơi thực hiện dự án thì lại không được vào. Tình thế hết sức khó khăn, kể cả thực hiện “3 tại chỗ” cũng khó. Địa phương phải căng mình chống dịch, chúng tôi cũng hiểu và thông cảm với họ, nhưng dự án thì vẫn phải cố gắng, tận dụng từng ngày để triển khai nên chúng tôi mong muốn UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị tham gia thực hiện các dự án này có thể đi lại làm việc với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện các thủ tục pháp lý” – ông Tuyển nói.
Đại diện EVNNPT cho biết, sẽ thường xuyên cập nhật, báo cáo kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho Tỉnh ủy, UBND các tỉnh có dự án đi qua để phối hợp chỉ đạo giải quyết. Nhưng dường như về công tác GPMB là thách thức cực lớn với đơn vị thực hiện dự án này bởi kinh nghiệm và dự báo cho thấy, kể cả sau khi hết giãn cách xã hội thì việc GPMB cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo một chuyên gia kỳ cựu về đầu tư xây dựng dự án truyền tải điện, các đơn vị thực hiện dự án đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân cần phải tính đến phương án đàm phán với chủ đầu tư của NMNĐ BOT Vân Phong 1 về cam kết tiến độ và điều khoản phạt tiền bởi chắc chắn dự án sẽ bị chậm tiến độ, không chậm 6 tháng thì cũng sẽ chậm khoảng 3 tháng so với cam kết.