Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Cần quy định cụ thể về nơi đốt vàng mã

Cập nhật: 20/06/2024 13:10

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng đốt vàng mã tại nhà ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ bởi Việt Nam là một đất nước có hoạt động tín ngưỡng đa dạng, vì vậy việc đốt vàng mã tại nhà ở là việc không thể tránh khỏi.

Theo đại biểu, hiện nay, pháp luật chỉ có quy định cấm đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư còn các loại hình nhà ở khác thì chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “nơi đốt vàng mã” vào điểm a, khoản 1 Điều 17 để phù hợp hơn nhằm nâng cao công tác phòng cháy đối với nhà ở.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 dự thảo Luật về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng MTTQ chỉ có thể hỗ trợ khắc phục hậu quả một phần nào đó của vụ cháy, sự cố, tai nạn chứ không thể giải quyết được. Đại biểu đề nghị sửa cụm từ “giải quyết” thành “khắc phục”, đồng thời bổ sung thêm trách nhiệm “xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.

Nâng cao công tác phòng cháy đối với nhà ở hiện nay: Cần quy định cụ thể về nơi đốt vàng mã   -0
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng cần quy định cụ thể về nơi đốt vàng mã đối với nhà ở hiện nay. Ảnh: VA

Đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân, góp ý vào Điều 6 về trọng điểm phòng không nhân dân, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” một trong những trọng điểm phòng không nhân dân. Đồng thời quy định thêm điều kiện được xác định trọng điểm phòng không nhân dân của ”đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”. Bởi Điều 74 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế – xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó”, ĐBQH Trần Thị Vân nêu.

Tại Điều 19 về đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định thủ tục rút gọn, thuận lợi hơn trong việc cấp phép bay đối với cá nhân có đam mê, sở thích với flycam, sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp và quy định rõ ràng hơn về cụm từ “có kiến thức hàng không” để thống nhất áp dụng khi luật ban hành.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ thẩm quyền ra lệnh đối với từng trường hợp “tạm giữ”, “thu giữ” và “chế áp” quy định tại khoản 2, Điều 31 về về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

“Đề nghị có quy định riêng đối với từng trường hợp, trường hợp nào thực hiện “tạm giữ”, trường hợp nào “thu giữ” và trường hợp nào thực hiện “chế áp” để tránh việc áp dụng không thống nhất đối với các phương tiện bay vi phạm cần được xử lý”, ĐBQH Trần THị Vân nêu.

theo Văn Anh – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan