Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống: Củng cố, nâng cao trách nhiệm và đạo đức công vụ

Cập nhật: 21/09/2021 08:19

Trong lĩnh vực pháp chế và kỷ luật nhà nước, không hiếm hiện tượng lợi dụng những hiểu biết về pháp luật, kỷ luật nhà nước để “luồn lách” pháp luật, kỷ luật. Vì vậy, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức không chỉ là lượng tri thức đạt được mà còn là tình cảm, bản lĩnh, động cơ, hình thành được lý tưởng trong hoạt động.

Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

PGS.TS. Vũ Thư – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – khẳng định, cán bộ, công chức là lực lượng đóng vai trò quyết định đối với chất lượng, hiệu quả vận hành của hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội XIII đã xác định mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để xây dựng, củng cố và nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật nhà nước của cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng, cần tập trung vào một số giải pháp.

Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu sâu sắc và hệ thống lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hướng đến thực tiễn, bối cảnh mới, đáp ứng nhu cầu thực tế của cán bộ, công chức. Theo PGS.TS. Vũ Thư, chúng ta lâu nay thực hiện việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường chỉ chú trọng đến xây dựng chương trình, bài giảng cần thiết phải trang bị cho cán bộ, công chức tùy theo đối tượng cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đó chỉ là về phía người dạy. “Cần và có thể tiến hành điều tra một cách nghiêm túc xem xét không chỉ cái cần cho họ mà cả cái họ cần để đáp ứng nhu cầu của người học là các cán bộ, công chức”, ông nhận định.

Thứ hai, thực hiện giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng theo quan điểm xét đến hiệu quả cuối cùng là kết quả xây dựng, củng cố và nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ, công chức. Dễ thấy là trong lĩnh vực pháp chế và kỉ luật nhà nước, không hiếm hiện tượng những hiểu biết về pháp luật, kỷ luật nhà nước đối với một người nào đấy lại tạo ra kết quả ngược là biết cách luồn lách pháp luật, kỷ luật. Vì vậy, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức không chỉ là lượng tri thức đạt được mà còn là giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về tình cảm, bản lĩnh, động cơ, hình thành được lý tưởng trong hoạt động cần thiết. Nói cách khác, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng ý thức, trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, công chức không phải chỉ yếu tố lý mà phải cả yếu tố “tình”. Một trong những phương pháp, giải pháp phải chú trọng là thực hiện và tăng cường có hiệu quả công tác phê bình và tự phê bình trong mỗi cơ quan, tổ chức.

Thứ ba, thay đổi cơ bản phương pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong xây dựng, củng cố và nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ, công chức. Triết lý về giáo dục, phương pháp giáo dục hiện đại, kinh nghiệm quốc tế và nhận thức đang hiện hữu ở nước ta đã xác định, giáo dục phải lấy người học làm trung tâm thay vì truyền thống lâu nay ở nước ta là lấy người thầy làm trọng tâm. Do đó, người học phải là chủ thể tích cực, chủ động đối với nhận thức của bản thân dưới sự hướng dẫn của người thầy. PGS.TS. Vũ Thư cho rằng, về mặt hình thức, quy tắc “thầy giảng, trò nghe” cần phải được thay bằng dạy học và học theo hướng chủ yếu là trao đổi, thảo luận.

Thứ tư, xây dựng, củng cố và nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ công chức gắn liền với thực tiễn công tác cán bộ, công chức, bao gồm công tác bầu cử, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đánh giá cán bộ.

Thứ năm, sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, củng cố và nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ, công chức. Theo PGS.TS. Vũ Thư, có thể nói, nhân dân là cội nguồn, cảm hứng cho sự hình thành ý thức chính trị – pháp lý, ý thức trách nhiệm công vụ, ý thức pháp chế và kỉ luật của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Ý thức, trách nhiệm công vụ, tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ, công chức không thể đi chệch quỹ đạo, không thể không chứa đựng yếu tố dân chủ.

Nếu không có sự tham gia thực chất của người dân, cán bộ, công chức khó tránh khỏi sự tha hóa về ý thức cũng như thể hiện nó trong hoạt động công vụ. Trong các trường hợp cần thiết, có thể trưng cầu ý kiến đánh giá của người dân về ý thức, việc làm của cán bộ, công chức dưới hình thức bỏ phiếu kín và xử lý đúng đắn kết quả đánh giá. Đây là hình thức dân chủ thông thường và sẽ là một cơ sở để xem xét ý thức và công tác của cán bộ, công chức.

Thứ sáu, tạo lập và duy trì một môi trường lành mạnh cho việc hình thành, củng cố và nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ, công chức. Môi trường công tác của cán bộ, công chức là một trong những yếu tố gắn liền với chất lượng, hiệu quả công tác cũng như sự hình thành, củng cố và nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật của cán bộ, công chức.

PGS.TS. Vũ Thư nhận định, môi trường lành mạnh, có trật tự, có đạo đức, nhân ái sẽ là các yếu tố tác động mạnh và có tính chất quyết định đến ý thức của cán bộ, công chức. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin thì hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mực con người tạo ra hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, không thể chờ đợi sự vận động tự phát của đời sống sẽ tạo ra môi trường đó. Cần chủ động tạo ra môi trường đó bằng hoạt động tổ chức có ý thức, thống nhất để kết hợp được các yếu tố chủ quan và khách quan để hình thành môi trường theo mục đích mong muốn. “Ở đây, lãnh đạo của Đảng là nhân tố đóng vai trò hàng đầu”, ông Thư nhấn mạnh.

theo Minh Ngọc – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24