Cũng như mọi phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội, cử tri và Nhân dân theo dõi sát hoạt động chất vấn tại phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV bắt đầu từ sáng ngày 11.11 tại hội trường Diên Hồng đối với 3 nhóm vấn đề của 3 Bộ trưởng, trưởng ngành, gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Dự báo sát tình hình, phản ứng linh hoạt
Nội dung chất vấn đầu tiên thuộc lĩnh vực ngân hàng gồm các nội dung: “Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai” là 1 trong 3 nhóm vấn đề được cử tri và Nhân dân dành sự quan tâm nhiều nhất.
Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội đã đi thẳng vào trọng tâm, phản ánh đúng sự quan tâm, băn khoăn, lo lắng của cử tri và Nhân dân lâu nay về hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, về quản lý thị trường vàng… đã và đang tác động lớn đến tâm lý tiêu dùng, đến sản xuất, đời sống và nền kinh tế.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và trả lời bổ sung của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nắm chắc vấn đề, giải đáp cơ bản các nội dung chất vấn và làm rõ thực tế biến động của nền kinh tế, của thị trường tiền tệ, tín dụng hiện nay. Đồng thời, giải trình rõ việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc chọn lựa và áp dụng các giải pháp tối ưu nhất để quản lý tín dụng vàng, ngoại tệ, nhằm tập trung thực hiện các mục tiêu lớn của nền kinh tế.
Thực tế, ai cũng biết quản lý lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế thị trường dưới những tác động của “bàn tay vô hình” là lĩnh vực quản lý phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn nhất. Tuy vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã phân tích, dự báo sát tình hình, phản ứng linh hoạt, chỉ đạo, quản lý, điều hành hiệu quả trước những biến động khó lường. Dù thị trường vàng lên xuống thất thường, nhưng người dân vẫn có tâm lý “bình chân như vại”, đó là nhờ chỉ số giá tiêu dùng ổn định, giá trị của đồng nội tệ (VNĐ) ổn định ở trong nước và ở một số thành phố của nước bạn Campuchia, Lào giáp nước ta – nơi có đông khách du lịch Việt Nam.
Điều làm người dân và nhà đầu tư, nhà sản xuất yên lòng nhất là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội… Thể hiện cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 – 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 – 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1.7.2024). Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến ngày 15.10.2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD).
Cần minh bạch trong giao dịch thị trường vàng
Cử tri và Nhân dân cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối chủ yếu do tâm lý lo ngại tình trạng “vàng hóa nền kinh tế” như nhiều chuyên gia cảnh báo hơn là lo ngại tác động đến “túi tiền” tiêu dùng của họ, bởi vì đồng tiền VNĐ khá ổn định như đề cập ở trên. Tuy vậy, khi người dân còn coi vàng vừa là hình thái tiền tệ, vừa là loại hàng hóa đặc biệt và là phương tiện cất trữ an toàn giá trị tài sản tích lũy được thì sự can thiệp của Nhà nước là phù hợp và hết sức cần thiết, nhằm quản lý, không thả nổi giá cho cơ chế thị trường tự động điều tiết, có thể gây hệ lụy xấu.
Một số cử tri cho rằng, thời gian qua, không rõ vì lý do, lợi ích gì mà một số phương tiện truyền thông có xu hướng thao túng thông tin thị trường vàng, đưa tin kiểu “giật gân”, câu like độc giả, lúc thì giá vàng “bật tăng dựng đứng”, sáng thì giá vàng “đu đỉnh”, chiều thì “lao dốc”… Hoặc đưa tin dự báo giá kiểu “tung hỏa mù”, không có căn cứ khoa học, gây hoang mang dư luận, cần được chấn chỉnh.
Để góp phần lành mạnh hóa thị trường hàng hóa, tiền tệ, cử tri và Nhân dân quan tâm đến sự minh bạch trong giao dịch của thị trường vàng giống như sự minh bạch giao dịch tỷ giá ngoại tệ đang được các cơ quan chức năng thực hiện; nghiêm túc đánh giá lại năng lực quản lý ngành; giải trình, phản biện công khai để Nhân dân nắm rõ lý do vì sao Ngân hàng Nhà nước không lập sàn vàng, vì sao chỉ bán vàng mà không mua, không huy động tín dụng vàng, ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thị trường… như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn tại kỳ họp. Đồng thời, có giải pháp tổng thể bình ổn thị trường, để ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư và tiêu dùng dân cư.
theo Báo Đại biểu nhân dân
https://daibieunhandan.vn/giai-trinh-phan-bien-cong-khai-de-nhan-dan-nam-ro-post396095.html