GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. (Ảnh: PV) |
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Trong tư duy lý luận của Đảng, GCCN hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất; lao động có năng suất, chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học, được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, GCCN Việt Nam phải tiếp tục khẳng định và giữ vững bản chất GCCN của Đảng, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất GCCN của Đảng. Bên cạnh đó, cần có những chính sách nhằm phát triển GCCN trong bối cảnh hiện nay thể hiện ở việc chú trọng xây dựng môi trường xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất. Đặc biệt, cần chú trọng đến chính sách việc làm, chính sách nhà ở, chính sách bảo hiểm, chính sách tiền lương, chính sách ưu đãi tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh những công nhân có tay nghề giỏi… để tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút ngày càng nhiều lao động vào làm việc.
Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách
Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Thị Thúy (Hội đồng Lý luận Trung ương) khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất GCCN Việt Nam, là Đảng của GCCN và của dân tộc Việt Nam. “Xây dựng GCCN nước ta hiện đại lớn mạnh cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế tri thức trong kỷ nguyên xã hội thông tin và cách mạng khoa học công nghệ, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giai cấp công nhân Việt Nam là nhân lực nòng cốt cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (Ảnh: TTXVN) |
Sự quan tâm của Đảng đối với GCCN đã được khẳng định ngay từ khi thành lập Đảng và được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng ta qua các kỳ Đại hội và gần nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra chủ trương: “Phát triển GCCN cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp bối cảnh, điều kiện mới”.
Để đảm bảo GCCN Việt Nam vượt qua những thách thức mới, TS. Lê Thị Thúy cho rằng, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh còn những hạn chế, bất cập như: số lượng, chất lượng GCCN, lao động chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân, người lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một bộ phận công nhân giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị còn thấp, không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế; một số chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng, bàng quan, thờ ơ trước các sự kiện chính trị – xã hội, vận mệnh của dân tộc. Mặc dù các Nghị quyết của Đảng đã nêu những quan điểm, giải pháp lớn để xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh nhưng chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả, chưa thật sự đi vào cuộc sống.
Nhấn mạnh chúng ta đang chuẩn bị tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng – Đại hội có tính chất bước ngoặt, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, đội tiền phong của GCCN Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của GCCN và toàn thể dân tộc, TS. Lê Thị Thúy đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại lớn mạnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cụ thể, cần tạo chuyển biến nhận thức từ trong Đảng đến ngoài xã hội để có sự quan tâm chung đối với công nhân, coi đây là nguồn nhân lực chủ yếu, trọng yếu quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạo dư luận xã hội tích cực để cổ vũ, tôn vinh GCCN. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức GCCN trong xây dựng Đảng về chính trị để giữ vững bản chất GCCN của Đảng.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, góp phần tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân; khắc phục tình trạng một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng. Quan tâm phát triển Đảng trong công nhân, nhất là công nhân trẻ, công nhân trí thức, gắn xây dựng GCCN với xây dựng Đảng. Muốn thực sự coi xây dựng Đảng là then chốt thì phải đặc biệt chú trọng xây dựng GCCN, củng cố sự vững mạnh của công nhân và công đoàn, coi đây là cơ sở xã hội chủ yếu nhất để xây dựng Đảng, Nhà nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ nói chung.
Ngoài ra, tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ. Xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với giáo dục nâng cao nhận thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.
Đồng thời, phát triển đội ngũ công nhân, quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề gắn với các ngành, các chương trình, dự án lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Đầu tư ngân sách vào dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng miền núi, dân tộc thiểu số và những ngành nghề đặc thù mà các đơn vị ngoài công lập không đầu tư. Phân luồng đào tạo, cân đối giữa đào tạo nghề với đào tạo đại học. Xây dựng đội ngũ công nhân trí thức trong GCCN Việt Nam, coi đây là nòng cốt để phát triển GCCN. Sớm hình thành đội ngũ công nhân trí thức trong các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm quốc gia, có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao, hiện đại, lao động bằng trí óc.
Không những thế, phải bảo đảm việc làm ổn định, xây dựng và thực hiện thang bậc lương, mức lương, mức thưởng cho công nhân, đảm bảo cho công nhân và gia đình có đời sống ổn định. Giải quyết nhà ở và an toàn lao động cho công nhân. Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả tổ chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động
Nhận thức tầm quan trọng của việc giữ vững và tăng cường bản chất GCCN của Đảng, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp giữ vững bản chất GCCN của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh làm cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự lớn mạnh của GCCN là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; cũng là cơ sở vững chắc để củng cố bản chất GCCN của Đảng giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, tạo điều kiện cho công nhân học tập, nâng cao trình độ, tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội. Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả tổ chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động, theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp quần chúng, để ngày càng động viên, thu hút được đông đảo công nhân, người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn… Hoạt động của công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân, viên chức, người lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động…