Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến và đã tiến hành kỷ luật những đối tượng này, tưởng chừng đó là lời cảnh báo để các cơ quan, đơn vị rà soát làm trong sạch cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy vậy, tại huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), một cán bộ lãnh đạo huyện hồ sơ bằng cấp có những vi phạm nghiêm trọng nhưng vẫn giữ các chức vụ cao trong Đảng, chính quyền khiến dư luận, đảng viên bức xúc.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, ông Trịnh Đình Thi – Trưởng phòng Tư pháp huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) tốt nghiệp Trường đại học Luật Hà Nội hệ tại chức với số hiệu bằng là 148225, vào sổ số 126/K3HH được cấp ngày 20/4/1999. Tuy nhiên, đến năm 2005, ông Thi mới được cấp bằng tốt nghiệp THPT (bằng cấp 3) hệ bổ túc với số hiệu bằng 0484530 trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT kỳ thi ngày 6/6/2005 tại Hội đồng thi Yên Mỹ, xếp loại tốt nghiệp trung bình.
Việc tổ chức lớp tại chức tại tỉnh Hải Hưng (cũ) căn cứ vào Công văn số 05 ĐT ngày 26/9/1994 của Sở Tư pháp Hải Hưng (cũ) về việc xin mở lớp đại học Luật tại chức tại địa phương. Trên cơ sở này, ngày 27/9/1994, Trường đại học Luật Hà Nội đã mở lớp học đặt tại Trường Cán bộ quản lý và nghiệp vụ kinh tế tỉnh Hải Hưng (cũ), số lượng học viên không quá 200 người với ba môn thi là Văn, Lịch sử, Pháp luật và ông Trịnh Đình Thi được Phòng Giao thông huyện Mỹ Văn (cũ) cử đi.
Tuy nhiên, theo quy định trước khi nhập học, các học viên phải nộp các bằng cấp, chứng chỉ để trường đại học kiểm tra tính xác thực của việc học tập trước đây. Song theo hồ sơ lưu trữ tại Trường đại học Luật Hà Nội cung cấp, ông Trịnh Đình Thi đã nộp một bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học (bằng cấp 3) do Sở Giáo dục Hải Hưng (cũ) cấp ngày 15/8/1988 với số hiệu bằng là 3950.
Làm việc với chúng tôi, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Văn Lâm Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định, trong hồ sơ cán bộ do Huyện ủy lưu trữ cũng như hồ sơ công chức do phòng nội vụ lưu trữ đều không có bằng cấp 3 năm 1988 của ông Thi. Vậy bằng cấp 3 được cấp ngày 15/8/1988 của ông Thi là bằng thật hay bằng giả? Và nếu chưa có bằng cấp 3, tại sao ông Thi có thể vào học tại Trường đại học Luật Hà Nội? Trường đại học Luật Hà Nội đã làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra tính xác thực của văn bằng trước khi cho sinh viên nhập học hay chưa?
Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Trường đại học Luật Hà Nội Trịnh Thị Thu Hương cho biết, tại thời điểm ông Thi nhập học, Bộ Giáo dục chưa có văn bản về việc kiểm tra, thanh tra việc sử dụng các loại văn bằng chứng chỉ, vì vậy, trường chỉ tin vào những bằng cấp do sinh viên nộp và căn cứ vào kết quả điểm thi tại kỳ thi để nhập học. Còn ông Nguyễn Triều Dương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Luật Hà Nội khẳng định, thời điểm đó trường có kiểm tra bằng cấp 3 của sinh viên trước khi nhập học, trong đó có ông Thi, nhưng việc xác định là bằng thật hay bằng giả thì nhà trường không có khả năng. Và phải tới ngày 30/6/1999, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có Chỉ thị 29 về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, cấp phát, sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, thì lúc đó trường mới thực hiện.
Với những mâu thuẫn trong bằng cấp như vậy, song bằng cách nào đó con đường sự nghiệp của ông Thi luôn thuận lợi.
Trong nhiều năm qua, ông Thi liên tiếp bổ sung “hồ sơ” cán bộ của mình với nhiều tấm bằng khác như: Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp ngành pháp luật của Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Đô năm 2016; bằng Cử nhân Luật Kinh tế của Trường đại học Thành Đông năm 2019; bằng Thạc sĩ Luật Kinh tế của Trường đại học Mở Hà Nội năm 2020. Cùng các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh năm 2019, chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản năm 2019 đều của Trường đại học Thành Đông.
theo Đức Tùng và Ngọc Minh – Báo nhân dân điện tử