Năm 2019, Philippines xếp thứ 113/180 quốc gia theo đánh giá Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). New Zealand dẫn đầu bảng, được đánh giá là quốc gia ít tham nhũng nhất, và Singapore – một thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giống như Philippines – đứng thứ 4.
Thông tin về xếp hạng CPI 2019 hẳn không mới, nhưng điều đáng quan tâm phân tích là, 2 nước Philippines và Singapore có bối cảnh lịch sử chung. Cả 2 đã bị chiếm làm thuộc địa vào thế kỷ thứ 19 và chịu sự cai trị của Nhật Bản trong thế chiến thứ II. Tuy nhiên, về mặt kiểm soát tham nhũng, 2 quốc gia không hề có sự tương đồng. Singapore, đất nước giành được độc lập hoàn toàn vào cuối năm 1965, đã chiến đấu thành công với tham nhũng khu vực công.
Bên cạnh ý chí chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, Singapore đã chống tham nhũng hiệu quả thông qua hệ thống giáo dục công.
Đất nước này luôn chú trọng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giáo dục công: 25% chi tiêu Chính phủ hàng năm được dành để xây dựng trường học và cấp học bổng khu vực công. Cũng do đó, Singapore có hệ thống giáo dục công được đánh giá là vào hàng tốt nhất trên thế giới và đặc biệt, tất cả người dân Singapore đều có quyền truy cập vào hệ thống giáo dục công như nhau.
Cùng với đó, giá trị của chất lượng giáo dục cũng được trọng dụng trong hệ thống các cơ quan Chính phủ của đất nước. Ở Singapore, chế độ nhân tài từ lâu đã được coi là một nguyên tắc cốt lõi trong sự lãnh đạo của Chính phủ. Chế độ nhân tài đề cập đến một hệ tư tưởng chính trị rằng, một quốc gia cần được quản lý bởi các công chức được giáo dục tốt “với một hồ sơ cho thấy sự xuất sắc trong học thuật và công nghệ” (theo Yahong Zhang và Cecilia Lavena, Chiến lược Chống tham nhũng của Chính phủ: Một góc nhìn so sánh giữa các nền văn hóa (Government Anti-Corruption Strategies: A Cross-Cultural Perspective), xuất bản 2015). Từ đó, các cơ chế nghiêm ngặt được đưa ra để lựa chọn các nhà lãnh đạo cho Singapore.
Những biện pháp này bao gồm các cuộc thi mang tính cạnh tranh và kiểm tra chuyên ngành. Dựa trên kết quả, các công chức Chính phủ tương lai sau đó sẽ được đưa vào vị trí các phòng, ban thực sự phù hợp với kỹ năng của họ (ví dụ: Luật, tài chính hoặc kinh tế).
Ngoài ra, các công chức Chính phủ đương nhiệm cũng được cấp quyền truy cập vào các học bổng quản trị khu vực công có uy tín. Các nhà lãnh đạo Chính phủ tốt nghiệp từ các chương trình học bổng này sau đó được trang bị các năng lực và giá trị phù hợp để trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn phục vụ cho quốc gia của họ.
Có thể thấy rõ ràng, “bí quyết” chống tham nhũng tốt nhất của Singapore là đầu tư vào chính công dân của mình. Đất nước đặt nền giáo dục công làm đầu trong phát triển quốc gia. Dựa trên những nghiên cứu, đầu tư vào nguồn nhân lực và tiếp cận nhiều hơn với giáo dục công dẫn đến ít tham nhũng hơn. Giáo dục có chất lượng thực sự là một trong những động lực thúc đẩy các giá trị tốt và tính liêm chính trong dịch vụ công, trở thành nền tảng của chính sách chống tham nhũng.
Giống như virus corona, luật pháp quốc tế định nghĩa tham nhũng cũng là một căn bệnh – căn bệnh làm xói mòn chất lượng cuộc sống của một quốc gia và dẫn đến vi phạm quyền con người.
Trên thực tế, theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tham nhũng được coi là một “dịch bệnh âm thầm” (insidious plague) làm suy yếu nền dân chủ và pháp quyền. Để giải quyết nạn tham nhũng, UNCAC khuyến khích “mỗi quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện hoặc duy trì các chính sách chống tham nhũng hiệu quả và đồng bộ, những chính sách thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện các nguyên tắc của chế độ pháp quyền, việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công, sự liêm khiết, tính minh bạch và trách nhiệm” (Khoản 1, Điều 5 Công ước).
Hiện nay, ở Philippines, các chính sách chống tham nhũng đang hướng tới việc bắt giữ các công chức Chính phủ tham nhũng. Tổng thống Philippines từng công khai yêu cầu “bắn nhưng không giết” (shoot but not kill) các công chức Chính phủ yêu cầu hối lộ. Cách tiếp cận này, chắc chắn là biện pháp mạnh để trấn áp tham nhũng. Nhưng đó thực sự là một cuộc chiến sinh tử giữa các công chức thực thi pháp luật với tội phạm tham nhũng, với các hoạt động đặt bẫy, bắt giữ, truy tố và hình phạt, tù giam…
Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện chống tham nhũng thành công của Singapore là trên thực tế, “cây bút” có thể có sức mạnh hơn rất nhiều lần “thanh kiếm” trong cuộc chiến đấu với tham nhũng. Một giải pháp đánh lùi bệnh dịch tham nhũng thực sự hiệu quả đã được khẳng định, đó là hãy thực thi chính sách phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
———————————
Bài viết mang quan điểm của luật sư, giảng viên ngành Luật Marlon Iñigo T. Tronqued (Philippines), đăng trên Nhật báo Inquirer của Philippines ngày 15/4/2020.
Hoài Phương (Dịch) – thanhtra.com.vn