Theo tìm hiểu, dự án đường dây 500kV Nam Định 1-Phố Nội xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép, chiều dài khoảng 122,8km từ sân phân phối 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 đến Trạm biến áp (TBA) 500kV Phố Nối. Đồng thời xây dựng, lắp đặt thiết bị cho hai ngăn lộ 500kV đi Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 tại TBA 500kV Phố Nối.
Dự án do TCty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 4.365 tỷ đồng, mục tiêu truyền tải công suất Nhà máy nhiệt điện Nam Định vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Dự án cũng tạo mối liên kết các khu vực, giảm tổn thất điện năng, tăng hiệu quả kinh doanh cho hệ thống điện, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo hồ sơ dự án, EVNNPT đề nghị sử dụng 411,28 ha, gồm diện tích chiếm đất vĩnh viễn 18,32 ha, diện tích bị ảnh hưởng trong hành lang 392,96 ha, gồm nhiều loại đất: đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất hoang hóa; trên địa bàn các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương để thực hiện dự án.
Đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội trong đó có việc thu hồi đất của dự án, UBND tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định cho biết dự án đã được các tỉnh này thỏa thuận hướng tuyến từ năm 2016, thậm chí có tỉnh đã quy hoạch khu dân cư tập trung để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến nay tại hướng tuyến dự án dự kiến đi qua đã có nhiều quy hoạch khác được phê duyệt, đặc biệt là các đường dây 220kV và 500kV. Vì vậy, các tỉnh này đề nghị nhà đầu tư cần phối hợp UBND các huyện, xã có đường dây dự kiến đi qua, rà soát lại hướng tuyến cho phù hợp quy hoạch và tình hình thực tế địa phương. Đồng thời hiệu chỉnh từng móng cột và đưa dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, làm căn cứ thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.
Tỉnh Thái Bình cho rằng đây là dự án có nhu cầu thu hồi đất lớn tại các địa phương. Vì thế chủ đầu tư cần làm rõ diện tích, loại đất, đối tượng bị ảnh hưởng, việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cần đảm bảo an sinh xã hội tại từng địa phương nơi dự án đi qua.
“Dự án cần xây dựng một chính sách về bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Đồng thời đề nghị nhà đầu tư phối hợp với UBND tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền, bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường cho khu vực thực hiện dự án”, tỉnh Thái Bình kiến nghị.
Cũng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án, trong một văn bản cuối tháng 6/2021, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý EVNNPT trong giai đoạn thực hiện đầu tư, cần phối hợp UBND các tỉnh thực hiện rà soát, làm rõ sự phù hợp và tính khả thi việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, bảo đảm tuân thủ các điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Được biết, tại Quyết định 1011/QĐ-TTg ngày 25/6/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng giao UBND các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo đảm đủ điều kiện thực hiện GPMB dự án, đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất sau khi thực hiện GPMB, tránh lãng phí tài nguyên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT hỗ trợ, hướng dẫn UBND các tỉnh trong giao, cho thuê, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.