Giấy tờ, kỷ vật của cán bộ đi B Văn Đức Đơn (Thừa Thiên-Huế). |
Ngày lên đường vào nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ, họ chỉ được mang theo những đồ dùng cá nhân do Ủy ban cấp.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, có người trở về, có người ra đi mãi mãi, có người đã nhận lại được các bản sao hồ sơ, kỷ vật của mình, nhưng cũng có những bộ hồ sơ vẫn nằm lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Hiện nay, sau khi chỉnh lý, sắp xếp khoa học, khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B với khoảng 72 nghìn hồ sơ đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý; trong đó, 55.722 hồ sơ đã xác định được là của cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945-1975) và khoảng 40% cán bộ đi B đã nhận được bản sao hồ sơ, kỷ vật của mình…
Tâm thư và những kỷ vật
Tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, được tổ chức tại Thừa Thiên Huế ngày 22/7 vừa qua, 15 bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã được trao lại cho chủ nhân và cho thân nhân của các liệt sĩ là cán bộ đi B. Ðây là những hồ sơ, kỷ vật tiêu biểu được lựa chọn trong 72 nghìn hồ sơ của cán bộ đi B ở các địa phương trên cả nước gồm nhiều kỷ vật là giấy tờ cá nhân như: giấy chứng minh, ảnh, thẻ tiết kiệm, huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen và những giấy tờ, kỷ vật cá nhân khác. Chủ nhân của hồ sơ, kỷ vật là những người có công với đất nước, trong đó có các thương binh, liệt sĩ, người bị tù đày, người có nhiều thành tích trong kháng chiến…
Chia sẻ với chúng tôi, Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng-chị gái của liệt sĩ Ca Lê Hiến, không khỏi xúc động khi ôm trên tay bộ hồ sơ, kỷ vật của em trai. Trong ký ức người chị gái gần 85 tuổi, Ca Lê Hiến vẫn là cậu em trai chỉ kém bà có một tuổi, luôn say mê thơ văn, âm nhạc và là niềm tự hào của gia đình.
Ca Lê Hiến là tên thật của nhà thơ Lê Anh Xuân, người nổi tiếng với bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”. Ca Lê Hiến sinh ngày 5/6/1940 tại tỉnh Bến Tre. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục và nghệ thuật. Cha ông là Giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, tích cực tham gia phong trào sinh viên Việt Nam chống chiến tranh đầu thế kỷ 20… Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra bắc, học ở các trường học sinh miền nam. Sau đó, ông trở thành sinh viên Khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Tốt nghiệp đại học, dù được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng ông từ chối cơ hội đó để trở về quê hương miền nam, tham gia chiến đấu… Cuối năm 1964, ông vượt Trường Sơn vào nam, làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam và sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng miền nam. Trong thời gian này, ông bắt đầu sử dụng bút danh Lê Anh Xuân để sáng tác thơ văn, với những bài thơ luôn da diết tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc…
Ngày 24/5/1968, nhà thơ Lê Anh Xuân đã anh dũng hy sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ khi mới gần 28 tuổi. Ngay trước khi hy sinh hai tháng, ông đã để lại một khúc tráng ca bất hủ “Dáng đứng Việt Nam”: Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để gì lại cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân!…
Trong hồ sơ đi B của nhà thơ Lê Anh Xuân lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, ông viết: “Ngoài công tác giáo dục, tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền nam; tôi có thể đi bất cứ nơi nào Ðảng cần đến. Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền nam, về lại quê hương tôi”. Trong bức thư gửi chị gái Ca Lê Hồng từ chiến trường miền nam, nhà thơ Lê Anh Xuân tâm sự: “Em biết rồi đây những khó khăn thử thách mới sẽ đến, thậm chí có thể hy sinh nữa nhưng không vì thế mà làm giảm sút quyết tâm…”.
Nhà thơ Lê Anh Xuân đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2001) và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2011), vì những đóng góp to lớn của mình cho dân tộc.
Tập hồ sơ lưu dấu tích của cuộc đời người cán bộ đi B Lê Văn Bôi (bí danh Kim Sơn), là một câu chuyện xúc động khác. Bộ hồ sơ này chỉ còn: lý lịch, phiếu cá nhân, giấy tờ đảng viên (bản khai lập sổ đảng viên, phiếu chuyển đảng, phiếu báo); giấy chứng nhận, giấy giới thiệu đăng ký nghĩa vụ quân sự, thẻ cán bộ… và một kỷ vật là thẻ tiết kiệm mang tên Lê Văn Bôi được gửi năm 1963.
Theo hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ (nay do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý), liệt sĩ Lê Văn Bôi, sinh ngày 20/5/1923 tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra ở vùng đất cách mạng, được giác ngộ, ông đã sớm tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà. Ông là người cán bộ nhiệt huyết, có quá trình đóng góp cho quê hương, đất nước, cho cách mạng một cách bền bỉ, miệt mài. Ông được kết nạp Ðảng ngày 1/8/1948, khi mới 25 tuổi…
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tích cực hoạt động với nhiều nhiệm vụ: là du kích chiến rồi giao thông viên, là Trưởng ban Giao thông xã Triệu Sơn, đi học văn hóa, tham gia công an xã và đảm nhiệm trọng trách là Phó ban Công an xã, thường vụ nông hội xã, cán sự ủy ban xã rồi công tác tại Văn phòng Ðại đội Cảnh vệ tỉnh Quảng Trị…
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi tập kết ra miền bắc. Khi cuộc kháng chiến giải phóng miền nam diễn ra ác liệt, với tinh thần của người cách mạng trung kiên, yêu nước, theo tiếng gọi của miền nam, ông Lê Văn Bôi lại xung phong lên đường vào nam. Trước khi lên đường, cán bộ Lê Văn Bôi gửi lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cá nhân của mình cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Ngày 6/2/1963, ông đã viết tâm thư, nhắn nhủ, trên mẩu giấy nhỏ: “Ðề nghị các đồng chí phụ trách hồ sơ sau khi thống nhất nước nhà không có người nhận thì gởi số tiền đó cho đứa con trai của tôi là Lê Tùng hay mẹ tôi là Bùi Thị Miễn, còn anh em là Lê Thủ và Lê Phàn hiện nay còn ở trong nam”.
Hơn 60 năm sau ngày ông gửi lại hành trang, tài sản và lời nhắn nhủ trước lúc lên đường “đi cứu nước” của mình cho cơ quan, tổ chức, những kỷ vật đó đã được cháu ruột, người có trách nhiệm hương khói cho ông nhận lại. Bởi, mẹ ông đã không chờ được con trai; con trai ông là liệt sĩ Lê Văn Tùng, và vợ ông là bà Bùi Thị Mảng được truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, nhận lại những kỷ vật của người bác ruột, liệt sĩ, cán bộ đi B Lê Văn Bôi (bí danh Kim Sơn), hy sinh năm 1967, anh Lê Chương là con của người em trai, người có trách nhiệm thờ cúng hiện nay, không khỏi bùi ngùi: “Những kỷ vật này sẽ được đặt lên ban thờ, như nén tâm hương thắp cho bác tôi đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”.
Phát huy giá trị lịch sử của những hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B
Cán bộ đi B (từ năm 1959-1975) gồm có hai đối tượng, đó là những cán bộ chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, sau đó họ tham gia lao động sản xuất ở miền bắc và được bí mật đưa trở vào miền nam công tác do yêu cầu của cách mạng và một số cán bộ dân sự người miền bắc đi B. Cán bộ đi B chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo…
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, miền nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập, thống nhất, Ủy ban Thống nhất Chính phủ hoàn thành sứ mệnh của mình và chấm dứt vai trò hoạt động; toàn bộ tài liệu lưu trữ của Ủy ban do Ban Tổ chức Trung ương quản lý, gọi là Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Tháng 8/1981, Ban Tổ chức Trung ương đã giao toàn bộ hồ sơ tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ cho cơ quan lưu trữ nhà nước là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý.
Năm 1995, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được thành lập, toàn bộ phông tài liệu này được bàn giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, bao gồm hai khối tài liệu chính: tài liệu hành chính và khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B. Hiện nay, cùng với việc lưu trữ dữ liệu trên máy tính, toàn bộ mục lục hồ sơ tài liệu còn được in thành các bộ mục lục phục vụ việc tra cứu tại phòng đọc của trung tâm.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết: “Khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn chứa đựng những kỷ vật thiêng liêng của các cá nhân đi B”.
Khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn chứa đựng những kỷ vật thiêng liêng của các cá nhân đi B.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa
Với những giá trị, ý nghĩa to lớn, đặc trưng, khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Ðặc biệt, những năm gần đây, khi Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và sau đó là Pháp lệnh “Ưu đãi người có công với cách mạng” được ban hành, thì nhu cầu khai thác khối tài liệu này càng lớn.
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gồm nhiều loại khác nhau, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Ðảng, sổ Ðoàn, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác; quyết tâm thư, đơn tình nguyện đi B; các giấy tờ chứng nhận trình độ học tập như chứng chỉ và bằng cấp… còn có rất nhiều loại kỷ vật như huân chương, huy chương, huy hiệu, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, phiếu thu tiền, vàng, công trái… Mỗi một thành phần, nội dung giấy tờ, kỷ vật là một phần, một mảnh ghép ký ức của cán bộ đi B.
Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó có dữ liệu danh mục và 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B. Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B. Ðồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại phòng đọc trung tâm; tổ chức các hoạt động như: trưng bày, triển lãm, đăng tin, bài giới thiệu hồ sơ đi B…
Bà Trần Việt Hoa chia sẻ: Trung tâm mong muốn được giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật nhằm thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình. Ðồng thời, trung tâm cũng mong muốn được tiếp nhận những kỷ vật chiến trường và kỷ vật sau chiến tranh của những cán bộ đi B để quản lý trọn vẹn những ký ức, kỷ vật xuyên suốt hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.