Với vụ án thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận này, sau khi nghiên cứu hồ sơ, các luật sư, chuyên gia pháp lý đều băn khoăn về tính đúng sai của những lập luận cáo buộc ông Liêm.
Không có chuyện “thanh tra phát hiện có vi phạm pháp luật”
Có thể tóm lược vụ án như sau: Năm 2014, được sự đồng ý của tỉnh, ông Liêm chỉ đạo cấp dưới thực hiện gói thầu camera quan sát để bảo vệ trụ sở cơ quan trị giá 1,92 tỷ. Cơ quan tố tụng Long An (CQTT) sau đó cho rằng do nhà thầu thay đổi xuất xứ một số camera (từ Sony Nhật sang Sony Trung Quốc) nhưng ông Liêm không cho khảo giá lại, mà SYT vẫn trả đủ số tiền trên cho nhà thầu, “làm thất thoát NSNN” tổng số tiền hơn 900 triệu.
Về phía ông Liêm, nhất mực cho rằng việc một số thiết bị nhà thầu buộc phải thay đổi xuất xứ là bất khả kháng, vì thực tế model đó không còn sản xuất tại Nhật mà Sony đã chuyển nhà máy sang nước khác. Không có việc “thất thoát” xảy ra trong gói thầu, vì theo luật phải đợi đến khi dự án được quyết toán mới có thể xác định thừa thiếu ra sao, nếu thanh toán thừa thì nhà thầu sẽ trả lại.
Ông Liêm cho rằng đây là sự việc “hình sự hóa quan hệ dân sự”; ông bị trù dập vì trước đó đã không cho một số DN “sân sau, lợi ích nhóm” thao túng các cuộc đấu thầu trong lĩnh vực y tế tại Long An.
Nghiên cứu hồ sơ gần 1.500 trang của vụ án, các luật sư, chuyên gia pháp lý cho hay phản ánh của ông Liêm là có căn cứ. Bản cáo trạng số 08/CT-VKSLA-P1của VKSND tỉnh đã thể hiện một số vấn đề không đúng với thực tế, không phù hợp các lời khai, chứng cứ, áp dụng sai pháp luật.
Cáo trạng cho rằng qua thanh tra gói thầu, “cơ quan thanh tra phát hiện có vi phạm pháp luật, làm thất thoát NSNN nên chuyển hồ sơ đến CQĐT”.
Thực tế Kết luận thanh tra (KLTT) số 3217/KL-UBND ngày 22/8/2016 không có một chữ nào như trên. KLTT xác định đây chỉ là nghiệp vụ kế toán tài chính nên chỉ đạo Sở Y tế và Sở Tài chính “khi trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành gói thầu” thì phải yêu cầu nhà thầu nộp lại số tiền đã tạm thanh toán cao hơn thực tế khối lượng công việc và thực hiện nghiệp vụ giảm trừ.
KLTT 3217 cũng không có một chữ nào là “chuyển hồ sơ đến CQĐT”. Thực tế hơn 4 tháng sau đó, ngày 22/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn 244/UBND-NC “chuyển hồ sơ thanh tra sang CQĐT xử lý”.
Các cáo buộc thiếu sức thuyết phục
CQTT “bắt lỗi” ông Liêm các vấn đề sau: 1. “Làm thất thoát” hơn 2000m dây mạng và 1000GB dung lượng ổ cứng. 2. “Làm thất thoát” 700 triệu khi không điều chỉnh lại đơn giá thiết bị (vì thay đổi xuất xứ thiết bị). 3. Đã thanh lý hợp đồng với nhà thầu; và nguồn vốn của gói thầu này đã được quyết toán vốn đầu tư theo niên độ ngân sách 2014; nên “tội phạm đã hoàn thành”.
Cáo buộc thứ nhất không phù hợp, vì đại diện đơn vị thi công (nhà thầu) đã lý giải số dây trên thực tế không thất thoát một mét nào. Vị này cho hay ban đầu định dựng hệ thống hơn 30 camera (mỗi chiếc cần 100m dây) và đi dây cáp nổi ngoài tường nên mua hơn 3000m, nhưng khi thi công thấy các tầng đều có la-phông và hộp gen riêng, nên kéo dây ít tốn hơn dự định. Toàn bộ dây còn thừa để lại Phòng quản lý camera để tòa nhà sử dụng dự phòng sau này.
Phản bác cáo buộc “thất thoát” 1000GB ổ cứng, đại diện nhà thầu lý giải ban đầu định mua loại ổ cứng 3000GB, nhưng sau đó mới biết model này chỉ tương thích máy tính, nên chuyển sang ổ cứng thương hiệu khác dung lượng 2000GB “chuyên trị” hệ thống camera, giá tiền tương đương.
Cáo buộc thứ hai bị LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM) đánh giá áp dụng sai pháp luật. Theo khoản 2 Điều 49 Luật Đấu thầu 2005 (là bộ luật có hiệu lực khi hai bên ký hợp đồng), Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Điều 15 Nghị định 48/2010/NĐ-CP; gói thầu này là hợp đồng trọn gói nên “giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ”. Sau này khi quyết toán dự án, xác định thừa thì nhà thầu phải chuyển lại chủ đầu tư hoàn NSNN.
Cáo buộc thứ ba bị LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) đánh giá áp dụng sai pháp luật nghiêm trọng. Trước hết, phải hiểu “quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo niên độ ngân sách hàng năm là thế nào?”. Khoản 1 Điều 64 Luật NSNN nêu rõ “thủ trưởng các đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách lập quyết toán thu, chi ngân sách của đơn vị mình gửi cơ quan quản lý cấp trên”. Khoản 2 Điều 64 Luật trên nêu rõ “chủ đầu tư phải báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn ngân sách trong năm”. Nghĩa là việc quyết toán biên độ ngân sách trong năm là để nắm tình hình sử dụng vốn trong một năm. “Không thể viện dẫn ra quy định này để cáo buộc vô căn cứ ông Liêm”, LS Hiệp nói.
Về việc từ cuối năm 2014, SYT và nhà thầu nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng, LS Hiệp cho biết SYT đã áp dụng đúng Điều 9 Thông tư 86/2011/TT-BTC. “Đây là trường hợp thanh toán khối lượng hoàn thành. Thế nhưng CQTT vẫn kết luận như cáo trạng là áp dụng sai luật, dấu hiệu đánh tráo khái niệm, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, LS Hiệp nói.
“Tới ngày 18/9/2019, UBND Long An mới có Quyết định 3411/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án trên. Theo Điều 22 Thông tư 86 và Điều 26 Thông tư 09/2016/TT-BTC, “Trường hợp quyết toán đã được duyệt, nếu số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi lại của nhà thầu để hoàn trả cho Nhà nước số vốn thanh toán thừa; nếu số vốn được quyết toán cao hơn số vốn đã thanh toán, chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán tiếp hoặc bố trí vốn vào kế hoạch năm sau để thanh toán cho nhà thầu”. Pháp luật quy định như vậy, có nghĩa mãi mãi không thể có một sự thất thoát nào trong gói thầu này, đây chỉ là một quan hệ dân sự thương mại thuần túy như vậy, tạm ứng trước rồi khi cơ quan có thẩm quyền “chốt” con số cuối cùng, hai bên sẽ ngồi lại tính toán dứt điểm. Thế nhưng CQTT Long An lại cho rằng đây là tội phạm, rõ ràng là có dấu hiệu oan sai”.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến phiên tòa thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận này.